Nếu như năm 2017, Hằng Nguyễn ghi dấu ấn với ‘Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại’, thì tháng 12 năm nay, chị thả sức sáng tạo với lụa trong “Tôi đi giữa hoàng hôn” tại thành phố Đà Lạt.
° PHÓNG VIÊN: Đang yên ổn với công việc kinh doanh, tại sao chị lại mạo hiểm thêm với thời trang?
° Nhà thiết kế HẰNG NGUYỄN: Tôi mê thời trang từ nhỏ, nhưng sau này đi học rồi đi làm đều không có liên quan gì đến thời trang. Cho đến lúc sinh con gái ở cái tuổi khá muộn đối với phụ nữ, tôi vô cùng hạnh phúc và muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt, kỷ niệm ngày con đến với mình.
Tôi bỗng nhớ lại giấc mơ thuở bé và tự hỏi, tại sao mình không lập một thương hiệu thời trang lấy tên con gái. Tôi không cho đó là sự mạo hiểm mà chỉ là thử sức ở lĩnh vực mình yêu thích và có khiếu.
° Nhưng để trở thành nhà thiết kế, đâu thể chỉ dựa vào năng khiếu và đam mê, nó còn cần nhiều kỹ năng, kiến thức; nếu là kinh doanh thời trang thì cần thêm cả chiến lược, định hướng phát triển?
° Mất khoảng vài tháng từ lúc ý tưởng hình thành cho đến khi thành lập xưởng may, kêu gọi nhân công, ban đầu một mình tôi đảm đương tất cả nên khá vất vả. Ban ngày tôi làm việc ở công ty, tối về nhà tôi miệt mài nghiên cứu, cập nhật xu hướng mới từ sách vở, tạp chí. Đến cả việc đi chợ chọn vải, tôi cũng không ngần ngại, nó làm tôi thấy vui và có thêm nhiều năng lượng tích cực.
Sau 1 năm, tôi bắt đầu cộng tác với các nhà thiết kế trẻ để phát triển thương hiệu… Tôi biết mình còn là lính mới trong lĩnh vực này, cho nên tôi giải bài toán của mình bằng cách tạo dấu ấn thương hiệu từ đội ngũ thiết kế lành nghề và những show diễn được đầu tư để khách hàng biết đến thương hiệu của mình.
° Nói như vậy nghĩa là, “Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại” và “Tôi đi giữa hoàng hôn” chỉ đóng vai trò xây dựng thương hiệu?
° Một phần, phần còn lại là hướng đến bảo tồn văn hóa. Từng có cơ hội tham dự nhiều buổi trình diễn, đi nhiều nơi, tôi luôn trăn trở tại sao trang phục, chất liệu vải Việt Nam mình đẹp thế mà hiếm khi được chú trọng phát triển?
Quan điểm của tôi, một làng nghề, trong đó có ngành dệt, muốn phát triển thì trước hết người thợ phải sống được với nghề. Mà muốn sống được thì sản phẩm đó phải được bán ra thị trường, phải đi vào đời sống…
° Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về show diễn năm nay?
° “Tôi đi giữa hoàng hôn” gồm 3 phần. Phần đầu là trang phục áo dài, phần 2 là trang phục ứng dụng và cuối cùng là trang phục dạ hội. Điểm khác biệt là, bên cạnh một vài trang phục mang tính trình diễn, để nhà thiết kế sáng tạo thì các trang phục còn lại đều đề cao tính ứng dụng. Chẳng hạn như áo dài, chúng tôi sẽ thiết kế theo form suôn, mọi dáng người đều có thể mặc được, cũng như có thể kết hợp đa dạng với quần lụa ống đứng hoặc quần jeans.
° Thông thường, một nhà thiết kế thực hiện show thời trang theo ý tưởng xuyên suốt. Chị lại làm rất nhiều thứ, chị có nghĩ là ôm đồm quá không?
° Tôi làm theo cảm hứng và bị chi phối bởi ý nghĩ: thời trang phải mang hơi thở của đời sống. Chính vì thế, tôi muốn show diễn của mình đa dạng màu sắc, có thể đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người mặc.
Tôi muốn người phụ nữ, bạn gái sẽ cảm thấy thêm phần tự tin dù cơ thể họ có chút khuyết điểm. Đó là lý do người mẫu tham gia chương trình lần này cũng là những gương mặt gần gũi với khán giả. Họ không phải là những chân dài với gương mặt lạnh băng bước những bước vô hồn trên sàn catwalk, mà truyền cảm hứng về thời trang đến tất cả mọi người. Tôi chỉ có niềm mong ước giản dị là góp thêm chút màu sắc cho làng mốt Việt.
° Được biết, chị còn lập quỹ AMI Smile Foundation?
° Với thời trang, tôi không chỉ muốn khơi dậy những giá trị truyền thống mà còn muốn gắn liền với những giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội. Đó cũng là lý do tôi lập Quỹ AMI Smile Foundation và duy trì qua các năm để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em ở những nơi show diễn đi qua. Tôi hy vọng, sau này quỹ sẽ được nhiều mạnh thường quân chung lòng hơn nữa.