Nhà thơ Trần Vũ Mai - Ngọn gió từ thảm cỏ sông Hồng

Nhà thơ Trần Vũ Mai - Ngọn gió từ thảm cỏ sông Hồng

Trong nhật ký bằng thơ, Trần Vũ Mai viết: “Anh đã góp được gì cho đất nước/ Nếu ngày mai anh phải chết/ Anh sẽ nói gì đây/ Anh bỏ lại cuộc đời/ Những gì anh chưa làm được/ Để sau đó có những người đã hát/ Một khúc ca cảm tạ nhân gian/ Cảm tạ bầu trời Cực Nam lồng lộng…”.

Bìa tập sách Trần Vũ Mai.

Bìa tập sách Trần Vũ Mai.

Nhà thơ Trần Vũ Mai tên thật là Vũ Xuân Mai, sinh năm 1944 mất năm 1991, quê Thanh Hóa. 47 năm sống học tập mạnh dạn dấn thân và thành danh. Anh là nhà thơ nhiệt thành có tính cách và có tài. Bài thơ “Thảm cỏ bờ sông Hồng” chúng tôi đọc thuộc cuối những năm 1960, đầu những năm 1970: “…Suốt một ngày bầu trời thăm thẳm/ Suốt một ngày tôi nhớ Paul ÊLuard/ Tôi nhớ/ Những gì tôi chưa có được/ Thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ/ Mầu cẩm thạch nghiêng nghiêng chào giã biệt…”. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh tình nguyện vào chiến trường làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải Phóng Khu V, bám trụ vùng cực Nam Trung bộ. Chưa ai viết nhiều, chưa ai viết hay và say sưa về cực Nam bằng Trần Vũ Mai.

“...Cực Nam gió chướng ngang trời/ Gió từ La Hai ngược lên Đắc Lắc/ Đường xuyên sơn hầm dốc/ Gió quần vang trảng trăng thu/ Một lối rẽ bất ngờ/ Ban đi Phan Thiết… Cực Nam!/ Cực Nam/ Ta say đắm bao giờ không biết nữa…” (Cực Nam).

Năm 2010, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp với Hội VHNT Phú Yên với sự tài trợ của Công ty Sao Việt… mở trại sáng tác văn học. Nhà thơ Phan Hoàng, người Phú Yên dẫn chúng tôi đi thăm TP Tuy Hòa, từ trên núi Nhạn nhìn xuống, anh nói như nói với riêng mình: Đó, gió Tuy Hòa lạ không? Gió ấy mở đầu thơ Trần Mai Ninh; kia, làng Phước Hậu, nơi nhà thơ Trần Vũ Mai ở và viết trường ca. Phú Yên có hai nhà thơ nổi tiếng đều là dân Thanh Hóa. Cái duyên của Thanh Hóa với Phú Yên là có thật và cái duyên giữa Trần Mai Ninh (1917-1947) và Trần Vũ Mai cũng là có thật. Yêu thích văn thơ, Vũ Xuân Mai mê Trần Mai Ninh mà lấy bút danh là Trần Vũ Mai. Ra chiến trường anh về cực Nam bám trụ và làm thơ… “Cực Nam người có nhớ chăng/ Chàng thi sĩ ấy chết năm mặt trời/ Hóa thành năm tháng trong tôi…” (Nỗi nhớ Trần Mai Ninh). Khánh Hòa Nha Trang, Phú Yên Tuy Hòa… Cực Nam! Những tên đất ấy thấp thoáng ẩn hiện hình bóng cô gái miền Trung mặn mòi: “Tôi ngoảnh lại/ Tuy Hòa rung mềm mại/ Tuy Hòa vui gió thổi/ Lúc bấy giờ/ Lúc ấy/ Nha Trang ơi”… Tính cách sống hết mình, sôi nổi, Trần Vũ Mai mê E.Hemingway (nhà văn Mỹ) mãnh liệt. Trần Vũ Mai thích thơ P.Êluard (nhà thơ Pháp) và Trần Mai Ninh, thơ phóng khoáng đầy màu sắc. Trần Vũ Mai sớm chọn và luôn có thần tượng trong đời. Và Trần Vũ Mai đã thành công. Anh là một tác giả thơ hiện đại đáng được ghi nhận.

Ngọn gió thơ Trần Vũ Mai thổi từ “Thảm cỏ sông Hồng” đến “Cực Nam”, về “Làng Phước Hậu” và thổi qua thổi lại, thổi miệt mài, thổi vô hồi vô tận, thổi hết mùa này đến mùa khác. Khí chất thơ Trần Vũ Mai là chất phóng khoáng, róng riết, gợi cảm, hình ảnh giàu màu sắc, nhịp điệu lôi cuốn, nồng nàn: “Chúng tôi đi về Cực Nam/ Lòng nghĩ thương cây mạ/ Chạy trên đê ngắm lại sông Hồng…”. Ngọn gió thì có ngưng thổi bao giờ. Thơ Trần Vũ Mai thổi khắp dải miền Trung gian khổ ác liệt trong chiến tranh. Cái giá trị của thơ Trần Vũ Mai là dựng lại một miền Trung thời ấy. Thơ Trần Vũ Mai tinh khiết và phố phường. Tinh khiết cả trong dồn nén, lẻ đơn. Không thấy Trần Vũ Mai buồn nản, anh chỉ… ít nói chuyện: “Chưa hết xuân lại đã lẩn sang hè/ Hạt mưa nhỏ như mưa rồi lại tạnh”; “Gió thu nắng giữa thu vàng thu mật/ Hai anh em vào ngõ nhỏ ăn quà”.

Từ phải sang: Các nhà văn Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Dương Đức Quảng, Nguyễn Khắc Phục tại chiến trường khu V.

Từ phải sang: Các nhà văn Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Dương Đức Quảng, Nguyễn Khắc Phục tại chiến trường khu V.

Trần Vũ Mai sinh thời, ít in thơ mình. Anh sống như thơ, là thơ. Người ta biết anh là nhà thơ vì chính con người thật của anh. Hết mình. Như uống rượu, hút thuốc. Như ngọn gió thổi ngọn lửa cháy hết mình. Trần Vũ Mai có người cha yêu thơ văn, có nhiều bạn bè yêu quý anh. Trần Vũ Mai chỉ để lại cho chúng ta khoảng 75 bài thơ, 3 trường ca là “Bài ca chính thức về E.Hemingway”, “Làng Phước Hậu”, “Nàng chim Lạc” và một số trang văn xuôi… Tôi đếm được hơn 300 chữ, tiếng “gió” trong thơ Trần Vũ Mai.

Còn nhớ, cuối năm 1975, Trần Vũ Mai vào TPHCM, kéo tôi đến chỗ ở của nhà thơ Giang Nam và nhà thơ Hoài Vũ trên đường Trần Huy Liệu, Phú Nhuận. Trần Vũ Mai đối với tôi là vai anh (anh Mai học trước tôi 3 khóa). Trần Vũ Mai vỗ vai tôi cười phô hàm răng “bã trà khói thuốâc” nói: “Các anh phải cho thằng này vào hội!”. Ngày 11-4-1977 tôi được giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam! Tôi thầm cảm ơn anh Trần Vũ Mai, Giang Nam, Hoài Vũ…

Tháng tư lại về... tháng tư, chúng tôi ra trận và tháng tư đất nước giải phóng. Chúng tôi nhớ tháng tư và nhớ Trần Vũ Mai, một ngọn gió thơ, một khí chất thơ của “một trong số không nhiều thi sĩ Việt Nam thời hiện đại” (lời Thanh Thảo)

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục