Sau thành công của hai cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chính trị nổi tiếng Luật đời cha và con (đã chuyển thể thành phim nhiều tập Luật đời) và Lửa đắng, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn vừa ra mắt bạn đọc tiểu thuyết tâm lý xã hội mới Gã Tép Riu. Chúng tôi đã có cuộc trò truyện với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.
- PV: Ông là người đầu tiên đưa nhân vật Tổng Bí thư cùng với những luận đàm, luận điểm ở tầm vĩ mô vào tiểu thuyết. Điều này được dư luận và giới phê bình đánh giá cao tính chính luận và thế sự. Sao ông không tiếp tục thế mạnh ấy?
>> Nhà văn NGUYỄN BẮC SƠN: Trong tiểu thuyết Lửa đắng, gần như những vấn đề xung quanh cơ chế, thể chế đang được thảo luận, góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay, đều được đề cập trực tiếp hay gián tiếp. Chỉ có điều nó được thể hiện có chừng mực. Bây giờ, nếu tiếp tục cái mạch ấy thì phải đi đến cùng, mà xã hội lại chưa có tâm thế để giải bài toán tổng hợp này nên phải giải dần từng con tính. Vì vậy phải tạm dừng lại. Tôi mới sưu tầm được tư liệu về gái mại dâm và đang nghĩ cách sử dụng thì nhà văn Ma Văn Kháng khuyên tôi đổi mới đề tài cũng là đổi mới mình. Vậy nên tôi đang nghiền ngẫm cho một cốt truyện.
- Nhân vật Tùng trong Gã Tép Riu hình như là công việc của ông một thời ở cương vị quản lý báo chí xuất bản?
Đúng vậy, các vụ việc trong Gã Tép Riu như tôi đã nói trước khi vào sách là đều có thực, diễn ra trong vòng hai mươi năm trở lại, giờ vẫn còn nhân chứng. Trong tay tôi còn giữ nhiều vật chứng. Chỉ có quan hệ giữa Tùng và hai người đàn bà trong sách là không có thật, hư cấu hoàn toàn. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan bảo, sao những truyện hay như thế mà anh không viết ra? Vấn đề là phải làm sao biến những chuyện có thật ấy thành những chất liệu tiểu thuyết. Thế là tôi bắt tay vào viết rất nhanh.
- Ông nhờ bạn bè đọc bản thảo góp ý kiến à?
Cuốn thứ nhất không nhờ ai. Đến cuốn thứ hai, tôi nhờ một hai người bạn. Đến cuốn này thì nhờ nhiều người. Bao nhiêu bạn tốt, nhiều người kinh nghiệm đầy mình sẵn sàng hỗ trợ. Văn mình vợ người, phải để người ngoài phân tích mới khách quan. Nhưng phải có bản lĩnh mới không “đẽo cày giữa đường”. Nhà văn Ma Văn Kháng từng khen: “Chương 1 Lửa đắng là những trang văn đạt đến độ chuẩn. Nó gieo điệu nhạc cho cả cuốn. Nó chuẩn bị hành trình dằng dặc cho các nhân vật, sự kiện”. Lần này anh chê: “Ai lại mở thế. Dở quá!”. Thế là tôi mất mấy ngày mới viết được cái mở phù hợp. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường chê cái tên ban đầu Tùng tép riu cứ như chuyện thiếu nhi ấy. Thế nên tôi mới đặt là Gã Tép Riu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo phải làm cho sự đối nghịch giữa hai người đàn bà tăng lên, để Tùng như đứng trước một sự lựa chọn. Ý này rất phù hợp với ý của nhà phê bình Chu Thị Thơm là phải làm cho Diệu Thủy “xấu” hơn nữa, bây giờ loại đàn bà dùng “vốn tự có” để ngoi lên nhiều lắm. Thế là tôi “bôi” cho Diệu Thủy đen thêm, “tô” cho Dự trắng thêm. Sách ra, nhà văn Tô Đức Chiêu chê tôi chưa đẩy Thủy đến tận cùng của cái ác, cái xấu. Nhưng tôi nghĩ, loại người ấy chỉ ác đến thế là thuận với logic cuộc sống. Thậm chí ở chị ta vẫn còn chút tự trọng nên đã thừa nhận trước tòa về mấy chi tiết mà kẻ tha hóa đến tột cùng có thể chối phắt đi.
- Làm sao ông biết lắm chuyện của gái mại dâm thế? Và ông cho Tùng lấy Dự, liệu có gây phản cảm không?
Xem con người, phải nhìn vào bản chất tâm hồn, thân xác chỉ là cái vỏ bề ngoài thôi. Bẩn thân xác có thể gột rửa sạch được chứ bẩn tâm hồn thì khó lắm.
- Qua Gã Tép Riu có thể thấy nhà văn có những dự báo đúng!
Còn nhiều việc khác nữa. Vấn đề nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch chẳng hạn, ở nhiều nơi, nhiều cấp đang thí điểm; vấn đề thi tuyển công chức và nhiều vấn đề khác nữa. Trong Gã Tép Riu cũng nêu vấn đề các đền chùa đặt nhiều hòm công đức sẽ phải quản lý ra sao, sử dụng thế nào và cả chuyện đóng thuế. Đã có nguồn thu thì phải đóng thuế. Cá nhân còn phải làm nghĩa vụ ấy huống hồ là đền chùa.
- Qua Gã Tép Riu, nhà văn muốn gửi thông điệp gì?
Tôi cũng không ảo tưởng gì nhiều. Nói về thể loại thì tiểu thuyết là trọng pháo. Tôi chẳng dám mơ thế. Lại còn nghĩ, khéo không… tôi chỉ bắn súng chỉ thiên, chọc gậy xuống nước thôi. Nhưng quả thật, khi tôi viết có nghĩ đến những trí thức đích thực đã vượt qua nỗi sợ hãi bị thiểu số, bị cô độc và bằng vốn hiểu biết giàu có, tư duy sắc sảo, óc hài hước, họ đã sống hữu ích cho xã hội. Bi kịch gia đình và nơi làm việc đều là do Tùng đã sống đúng bản chất trí thức của mình. Tùng là một biểu trưng như thế. Diệu Thủy là hình ảnh một bộ phận cán bộ càng leo cao lên ghế quyền lực thì phẩm hạnh càng đi xuống. Dự là những cảnh đời bí bách, bị cuộc sống xô đẩy đến bước đường cùng vẫn cố gắng vươn lên tìm chỗ đứng dưới ánh mặt trời.
- Dưới góc nhìn của nhà văn, chúng ta cần làm gì để đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc?
Đơn giản vô cùng, mà cũng khó khăn vô cùng, chỉ mỗi một điều: tất cả đều phải đúng quy luật: làm đúng quy luật, chơi đúng quy luật, ứng xử đúng quy luật. Một người cũng thế, một đất nước cũng thế!
- Sau Gã Tép Riu, ông sẽ viết gì?
Tùng mất nhiều thứ nhưng không mất hết. Anh vẫn giữ được bản chất, bản lĩnh, bản tính, bản ngã mình. Anh có Dự và Dự đã có thể ngẩng đầu nhìn mọi người. Diệu Thủy vẫn sẽ tha hồ tung hoành ngang dọc... Vì thế sẽ có Gã Tép Riu tập 2.
CAO MINH