
Nhà văn trẻ và văn học trẻ luôn mang sự kỳ vọng của văn học Việt Nam. Thế nhưng, sau khi xuất hiện khá ồn ào trên văn đàn, bỗng các nhà văn, nhà thơ trẻ lại... biến mất khỏi văn đàn như một nghệ sĩ sân khấu lẩn vào cánh gà khi màn biểu diễn nghệ thuật còn chưa kết thúc, bỏ mặc độc giả và các “tín đồ văn chương” ngơ ngác trước những câu hỏi day dứt: các nhà văn, nhà thơ trẻ bây giờ làm gì, ở đâu?

Nguyễn Thị Châu Giang
Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, văn học Việt Nam đã đặt hy vọng vào một số nhà văn trẻ như: Nguyễn Thị Thu Huệ, Lưu Minh Sơn, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải... Nguyễn Thị Thu Huệ bắt đầu nổi lên từ giải truyện ngắn Hậu thiên đường - Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng giống như tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải bộc lộ một con mắt nhìn đời mới mẻ.
Còn nhà thơ trẻ Nguyễn Quyến bắt đầu từ tập thơ Mưa ban mai mang đến một giọng điệu thơ trẻ trung, hiện đại ... Theo đó, những lời khen ngợi, tán dương liên tục cho đến khi những gương mặt trên... không còn ai hào hứng nhắc tới nữa! Một thời kỳ sau, làng văn trẻ lại xuất hiện thêm một số gương mặt trẻ mới như: Trần Thanh Hà, Phong Điệp, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, sau đó là Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần... nhưng rồi hầu như họ chỉ như ngôi sao băng vội vàng đi ngang qua bầu trời văn chương.

Nguyễn Ngọc Tư
Các nhà văn trẻ bây giờ thi nhau “đổi sân” cả rồi. Phan Thị Vàng Anh giờ yên phận với công việc biên tập tại một nhà xuất bản, thi thoảng mới cho ra lò một tác phẩm. Cũng về đầu quân cho một nhà xuất bản nhưng nhà văn nữ Trần Thanh Hà ngay sau khi vừa đoạt giải Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại gần như vắng bóng trên văn đàn. Thi thoảng chị xuất hiện nhưng truyện của chị dường như không còn đầy ắp lửa như thuở đầu.
Ở phía Nam, nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly và nhà văn trẻ Nguyễn Thị Châu Giang giờ đây lại nổi lên bởi những tác phẩm hội họa . Ba gương mặt khác: Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Vĩnh Tiến cũng đã mai danh ẩn tích. Phong Điệp tưởng rất mặn mà với văn chương nhưng từ hồi lui về báo Văn nghệ trẻ làm phóng viên thì độc giả chỉ còn biết nhớ lại những truyện ngắn cũ của chị. Nguyễn Vĩnh Tiến thì mở công ty kiến trúc...

Nguyễn Ngọc Thuần
Các nhà văn trẻ ban đầu vác trên vai đầy ước mộng văn chương, những rồi thời gian trôi đi, cộng với không khí văn chương buồn tẻ của nước nhà và nỗi niềm “cơm áo không đùa với khách thơ” cùng hàng trăm thứ khác... nên có rất nhiều người đã vô tình hoặc bất đắc dĩ đánh rơi mất mộng văn chương của họ! -
Một nhà nghiên cứu văn học trẻ đã nói như vậy. “Đối với tôi bây giờ, viết báo mới là tay chính, còn văn chương chỉ là tay phụ” - một cây bút trẻ tâm sự. Một nữ nhà văn trẻ khác cũng tỏ cái nỗi chán chường trước nghiệp văn chương: “Bận đến nỗi không đủ thời gian để viết văn”.
Viết văn vừa khó lại vừa dễ hơn viết báo, kinh doanh, nhưng sáng đi họp, chiều đi họp, đêm về lại thức đến 2-3 giờ sáng để viết 2-3 tin, bài văn hóa, phóng sự xã hội, bởi thế nhiều người còn không đủ thời gian để suy nghĩ một cái tứ truyện ngắn; tứ thơ vừa lóe trong đầu cũng không có đủ thời gian chép lại...
Một số người thi thoảng cũng cho trình làng một vài bài thơ, truyện ngắn nhưng đó chỉ là những tác phẩm kiểu “lâu lâu mới viết”, “viết để chơi”. Cơ chế văn chương nước nhà đương nhiên không cuốn hút được họ viết. Viết báo, viết kịch bản phim, kinh doanh... còn kiếm được chút “tiền tươi thóc thật”, chứ lỡ dính vào văn chương thơ phú thì tác phẩm in ra chỉ tổ béo đầu nậu hoặc khó bán hơn cả lá chè xanh!
Trong khi bây giờ, “mốt” của người ta là đi đến rạp phim, hài kịch, nghe nhạc trẻ, giao hưởng; tới vũ trường, tán gẫu trên mạng... Và còn một nguyên nhân quan trọng, chiếc cầu nối để tạo nên sự gắn kết bền vững của các thế hệ nhà văn - một động lực tinh thần cần thiết - dường như lại rất mong manh.
VĂN THÙ