
Nhạc sĩ Lê Quang được giới trẻ biết đến từ năm 1993 khi anh là thành viên của nhóm Da Vàng với những tác phẩm đầu tay: “Biển sâu”, “Quên đi”. Những năm sau đó anh nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy của âm nhạc với những sáng tác về đề tài lịch sử: “Dòng máu Lạc Hồng”, “4.000 năm rực rỡ gấm hoa”, “Dân nước Nam”. Đề tài tình ca có: “Đi về nơi xa”, “Chuyện thường tình thế thôi”, “Lạc mất em”; Mảng xã hội có “Vòng tay nhân ái”, “Giấc mơ màu xanh”, “Một ngày bình yên”, “Mãi là bồ câu trắng” v.v... Anh đã ra mắt 3 chương trình CD khá ấn tượng: “Nắng về theo anh”, “Tình yêu vừa ra đi”, “Một ngày đi qua”.
Từ tháng 4-2006, Lê Quang còn được biết đến như một ông chủ vui tính của phòng trà không tên ở số 147Bis Hai Bà Trưng, Q1. Anh cũng đã mạnh dạn tổ chức một số chương trình biểu diễn doanh thu, dù có người đã nói Lê Quang là “nhạc sĩ thị trường” cũng không sao.

Nhạc sĩ Lê Quang (giữa) nhận giải Mai vàng năm 2004. Ảnh: AN DUNG
Trò chuyện với chúng tôi, Lê Quang khẳng định trong những năm qua điều tâm đắc nhất của anh không phải là hoạt động sáng tác, biểu diễn, mà là sự kết hợp, hòa hợp của những người làm nghệ thuật với nhau. Đời sống âm nhạc rất đẹp, dầu có sự cạnh tranh nhưng là cạnh tranh lành mạnh và hữu nghị. Có chuyện gì cũng nên ngồi lại đối thoại với nhau trước là hay nhất. Nhạc sĩ, ca sĩ vốn nhạy cảm nên dễ bị tổn thương khi có chuyện không hài lòng hoặc bị thêu dệt về mình.
* Công việc quản lý, kinh doanh ở phòng trà không tên có ảnh hưởng gì đến hoạt động sáng tác âm nhạc?
* Ảnh hưởng tốt, tích cực. Chẳng hạn bình thường tôi ít nghe nhạc của đồng nghiệp, nhưng mình làm phòng trà nên đương nhiên phải nghe nhiều loại nhạc của nhiều tác giả để rút kinh nghiệm về ca từ, giai điệu, nắm bắt thị hiếu của công chúng. Qua đây phát hiện ưu thế của những đồng nghiệp và các giọng ca. Hơn nữa tôi còn được nghe từ nhạc xưa đến nhạc nay.
* Có tin đồn nhạc sĩ Lê Quang dự định đầu tư cho một nữ ca sĩ xinh đẹp độc quyền hát nhạc của mình để phô diễn hết nét đẹp trong tác phẩm, kiểu như nhạc sĩ Hà Dũng và ca sĩ Hồ Quỳnh Hương vậy?
* Tôi chủ trương không chọn và đầu tư một giọng hát nào cho nhạc của mình sáng tác. Cũng như mình mở phòng trà để mọi người tới thưởng thức âm nhạc. Trong sáng tác âm nhạc cũng để mọi người hát cho vui mà không độc quyền vào giọng hát nào.
* Phó giáo sư – tiến sĩ Thế Bảo nêu rằng: Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay, nhạc trẻ ngoại nhập và nhạc trẻ nội đều lên ngôi, tuy nhiên vẫn chưa an tâm với nhạc trẻ Việt Nam hiện nay do chất lượng thấp vì nhạc nhái, đạo nhạc, thiếu sự sáng tạo… Là nhạc sĩ trẻ, anh thấy sao?
* Nhận xét ấy đúng đắn và hợp lý giúp cho các nhạc sĩ trẻ nhìn lại chính cảm xúc, tâm huyết và những sáng tác của mình. Thúc đẩy những người sáng tác cần học tập nhiều hơn, thâm nhập thực tế và tìm cảm xúc thực từ cuộc sống đa dạng và phong phú để có những tác phẩm ngang tầm thời đại. Và ở một góc nhìn khác, cũng có thể nói rằng nhạc trẻ hiện nay nói chung là tốt, đã lên ngôi. Tín hiệu từ đầu năm đến nay cho thấy có khởi sắc, từ cuộc thi Superband (thi các ban nhạc trẻ) đến hành trình tìm kiếm “thần tượng âm nhạc Việt Nam” (Idol Việt Nam), cuộc bình chọn “bài hát Việt”, “Album vàng”, Tiếng hát truyền hình, Sao mai điểm hẹn… đều rất trẻ trung và sôi động. Tình hình ca sĩ hải ngoại bắt đầu về nhiều cho thấy thị trường âm nhạc trong nước hấp dẫn, đời sống âm nhạc cởi mở hơn. Qua đó diễn ra một sự cạnh tranh tốt giữa ca sĩ với ca sĩ, nhạc sĩ với nhạc sĩ. Cạnh tranh sẽ giúp mình nhìn lại mình để vươn tới, tránh nguy cơ tụt hậu trong sáng tác và biểu diễn.
* Dự kiến hoạt động sáng tác của anh trong thời gian tới?
* Từ nay đến cuối năm 2007, tôi dành nhiều thời gian cho hoạt động tổ chức biểu diễn hơn là sáng tác. Tôi bận chuẩn bị một số tour diễn như: Tháng 7-2007 thực hiện tour Xuyên Việt cho 2 ca sĩ hải ngoại đi lưu diễn qua các địa phương từ TP Hồ Chí Minh tới Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội; Tháng 8-2007 tổ chức “Đêm nhạc Lê Quang” tại Mỹ với sự góp mặt của Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Cam Thơ… Cuối năm lại tham gia một số chương trình định kỳ như “Duyên dáng Việt Nam”, “Ngày hội ca sĩ Việt Nam” tại Hòn Ngọc Việt - Nha Trang.
* Xin cảm ơn anh.
XUÂN THÁI