

Sinh ra và lớn lên ở bên dòng sông Tiền, vùng đất Hồng Ngự, Đồng Tháp, từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã bắt đầu nổi tiếng với những ca khúc: Giã từ, Hồng Ngự mang tên em. Rồi những năm sau này ông có thêm: Tình cây và đất, Giăng câu, Người hàng xóm (thơ Nguyễn Bính), Tiễn biệt, Sao em nỡ đành quên, Duyên dáng sông Tiền, Về miền Tây… Giai điệu cùng ca từ trong các ca khúc của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng chơn chất, mộc mạc, mang đậm chất đồng bằng sông nước Nam bộ.
Bốn năm nay, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng chuyển về sống tại một khu vườn xinh xắn ở ven thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngày ngày ông lên khu du lịch Đại Nam tập thể dục, vãng cảnh thiên nhiên và chuyện trò với ông Huỳnh Phi Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Nam. Có lẽ hồn thiêng sông núi ở khu du lịch văn hóa – lịch sử lớn nhất Việt Nam này đã dẫn nhạc sĩ Tô Thanh Tùng tạm rời những lời ca, giai điệu chơn chất của cuộc sống đời thường, bước vào những ca từ và giai điệu hùng tráng gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc.
Và gần 20 bài hát mới viết về lịch sử được ra đời: Nhớ ngày giỗ Tổ, Cha Lạc long Quân (thơ Lê Sơn Tùng), Mẹ Âu Cơ (thơ Lê Sơn Tùng), Đại Nam huyền sử ca (lời Huỳnh Phi Dũng), Đức thánh Trần- Hưng Đạo Vương, Nguyễn Huệ- Quang Trung, Cố đô văn vật - Thăng Long cổ thành (thơ Lê Sơn Tùng)… Rồi album nhạc lịch sử mang tên Đại Nam huyền sử ca đã được Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản, với sự thể hiện của các ca sĩ: Tạ Minh Tâm, Hải Phượng, Thanh Thúy, Hương Giang, nhóm ACM…
Không dừng lại ở đó, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã tìm đến soạn giả Viễn Châu để đặt lời vọng cổ. Ở tuổi 82, già yếu, soạn giả Viễn Châu vẫn vui vẻ nhận lời. Chỉ 2 tháng sau, vào đầu xuân Mậu Tý, album Đại Nam huyền sử ca đã có thêm 10 bài cổ nhạc, với sự thể hiện của các giọng ca: Kim Tử Long, Cẩm Tiên, Trọng Phúc, Phượng Hằng, Phượng Loan, Cẩm Tiên…
Cầm tặng chúng tôi album nhạc đặc sắc này, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng nói: “Cảm xúc đến thật tự nhiên, ở tuổi ngoài 60 tôi thấy mình phải viết những bài ca lịch sử”.
Khắc Văn