Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Những ngày qua, sự việc nhạc sĩ Lưu T.H. bị đồng nghiệp là thạc sĩ - giảng viên, NSƯT Võ Thị M.H. công tác tại Nhạc viện TPHCM ném điện thoại vào người tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn cùng tranh luận trái chiều của khán giả. Câu chuyện giữa hai nghệ sĩ vốn chỉ xuất phát từ bất đồng quan điểm về chuyên môn chứ chưa phải mâu thuẫn trong đời tư, nghề nghiệp lại trở thành câu chuyện ồn ào bất ngờ đến khó tin của những người làm văn hóa nghệ thuật.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Đảng ủy Khối cơ sở Bộ VH-TT-DL, đại diện Nhạc viện TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên nhạc viện đã tổ chức các cuộc họp khẩn vào sáng 16-1 và cả hai giảng viên đều nhận lỗi với nhà trường.

Cụ thể, NSƯT Võ Thị M.H. nhận lỗi làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nhà trường và xin lỗi trước hội đồng nhà trường; nhạc sĩ Lưu T.H. thừa nhận nóng vội khi đăng tải thông tin lên Facebook và gỡ bài đăng. Hội đồng kỷ luật của nhà trường cho biết đã phê bình, nhắc nhở nhạc sĩ Lưu T.H. và sẽ xem xét kỷ luật đối với hành vi không chuẩn mực của giảng viên Võ Thị M.H.

Những tưởng vụ việc khép lại thì ngay chiều hôm đó, trong các trao đổi với báo chí, giảng viên Võ Thị M.H. khẳng định không xin lỗi nhạc sĩ Lưu T.H. và việc đúng sai “chờ pháp luật trả lời”. Mới đây, nhạc sĩ Lưu T.H. bất ngờ thông tin đã xin ngừng hợp tác với Nhạc viện TPHCM.

Vụ việc trên gây xôn xao dư luận với nhiều phản ứng trái chiều. Bên cạnh những ý kiến đòi tước danh hiệu NSƯT của giảng viên Võ Thị M.H. cũng có ý kiến cho rằng nên nghe đầy đủ từ hai phía mới có thể đánh giá đúng sai và rằng việc tung hê tố cáo đồng nghiệp lên mạng xã hội phản cảm không kém hành vi ném điện thoại. Các cá nhân, tập thể trong môi trường sư phạm, người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng càng phải cẩn trọng hành xử trong đời thực hay trên mạng xã hội, tránh ảnh hưởng môi trường giáo dục và chính uy tín nghề nghiệp.

Mạng xã hội là kênh truyền thông hữu hiệu cho nghệ sĩ nhưng đã có không ít nghệ sĩ sử dụng mang tính cá nhân hóa. Việc phơi bày lên mạng xã hội, ném vào nhau những ngôn từ chát chúa, đấu tố qua lại, triệt hạ danh dự, tạo dư luận xấu giữa các nghệ sĩ diễn ra không ít lần.

Cách đây vài năm, ca sĩ T.H. đăng lời lẽ nặng nề, chửi và tag (gắn tên) thẳng nhạc sĩ - giám đốc âm nhạc của một chương trình âm nhạc. Hành động đó lập tức bị công chúng, các nghệ sĩ khác lên tiếng phản đối. Việc phát ngôn thiếu kiềm chế, bất kính đàn anh nơi công cộng như ca sĩ T.H. không hề hiếm ở showbiz Việt.

Các nghệ sĩ khác như P.L., E.T, T.T., Y.B., D.M., H.G… từng làm khán giả sửng sốt khi thấy cách họ bày tỏ sự hung dữ trong hành động, phát ngôn, sẵn sàng “bật lại” những ai có ý kiến trái chiều mà quên mất mình đang là… nghệ sĩ.

Mọi vụ ồn ào rồi sẽ lắng xuống, khép lại nhưng cách hành xử xấu xí, thiếu tôn trọng nhau giữa một số nghệ sĩ có lẽ ghim mãi trong lòng công chúng. Tất nhiên, nghệ sĩ cũng như bao người khác, khó tránh khỏi lúc nóng giận, khó kiềm chế cảm xúc. Nhưng việc thể hiện hành vi quá đà nơi trường học hay mạng xã hội là không nên, bởi đó không hề là “nhà riêng” và dễ trở thành trò cười cho công chúng… Thành thử, ở một số nước, khi một ngôi sao ứng xử thiếu văn hóa, phát ngôn thiếu thận trọng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc như bị cấm sóng, tẩy chay…

Nghệ sĩ là người dẫn dắt vẻ đẹp văn hóa nghệ thuật đến với công chúng, hiểu rõ trách nhiệm xã hội của mình thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật, cùng với đó là những hành xử đẹp trong cuộc sống. Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VH-TT-DL ban hành cách đây vài năm, như kim chỉ nam định hướng nghệ sĩ ứng xử văn minh, đúng pháp luật từ đời thực đến mạng xã hội để nhân cái đẹp - dẹp cái xấu. Cho nên, nếu như một bộ phận nghệ sĩ “đã quên” Bộ Quy tắc ứng xử này thì cần phải đọc lại, học lại, “thuộc nằm lòng” để có cách ứng xử chuẩn mực hơn và công chúng cũng không phải chứng kiến thêm “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nữa!

Tin cùng chuyên mục