Thời gian qua, nhiều tang gia đã xin nhận phúng điếu với tuyên bố ghi rõ ràng trên tin buồn, bản cáo phó là dùng số tiền này làm từ thiện. Đây là nét văn hóa, nghĩa cử sẻ chia đáng trân trọng.
Món nợ ân tình
Thời gian qua, nhiều tang gia đã không nhận phúng điếu (chấp điếu). Bà Lương Thị Tám, nhà ở đường Trần Đình Xu, quận 1, TPHCM, cho biết: “Tôi và các con đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để đi định cư ở nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Do vậy, khi mẹ chồng tôi mất, chúng tôi đã xin không nhận phúng điếu. Theo tôi, tiền phúng điếu như món nợ ân tình, mình nhận thì có nghĩa vụ trả lại khi bạn bè, gia quyến, bà con chòm xóm… có hữu sự. Sắp tới, gia đình tôi không có mặt ở đây thì làm sao đi viếng và trả lễ?”.

Việc không nhận phúng điếu còn diễn ra tại các tang gia có đời sống khá giả, thu nhập ổn định. Cách đây vài tháng, ba của cô Mai Tuyết qua đời. Đám tang được cử hành khá trọng thể tại một căn nhà khang trang ở gần đường Song hành, TP Thủ Đức, TPHCM. Nhà chỉ có 2 chị em, nhưng do mối quan hệ xã hội của ba, mẹ và quan hệ kinh doanh của các con, khách viếng chia buồn khá đông.
Tang gia không nhận phúng điếu và khách đến viếng đi theo tập thể hay cá nhân đều mang theo vòng hoa, nhang đèn, trái cây. Vòng hoa sắp đặt san sát, ken kín 2 bên quan tài và kéo dài ra đến sân nhà, dọc lối đi. Sau khi thực hiện xong tang lễ, chị em cô Mai Tuyết lại vất vả với việc dọn dẹp vòng hoa, giải quyết nhang đèn và trái cây.
Cô Mai Tuyết tâm sự: “Có rất nhiều vòng hoa tươi rất đẹp, trị giá rất cao… nhưng sau đám tang thì không thể sử dụng vào việc gì khác. Nhang, đèn thì chúng tôi thuê xe chở đến các đền, chùa, đình, miếu… Căng thẳng nhất là giải quyết trái cây. Chúng tôi phải lựa trái cây nào còn tươi và chuyển đến trung tâm bảo trợ xã hội, nhà nuôi dưỡng người lang thang, cơ nhỡ…”.
Dành cho việc từ thiện
Đám tang không thông báo gì thì nghiễm nhiên nhận phúng điếu, còn nếu không nhận phúng điếu thì sẽ thông báo trước. Đây là thông tin cần thiết để khách viếng tang lễ có bước chuẩn bị trước.
Ông Vũ Đức Chương, nhà ở quận 11, TPHCM, chia sẻ: “Đi viếng tang lễ mà không mang theo gì là một thiếu sót lớn. Nếu biết tang gia không nhận phúng điếu thì chúng tôi có những bước chuẩn bị khác nhau. Đi viếng với danh nghĩa thân quyến, bạn bè hay đồng nghiệp thì hùn tiền mua vòng hoa; đi với tư cách cá nhân thì cũng chuẩn bị một giỏ trái cây, nhang đèn…”.
Mặc dù, như đã phản ánh, việc xử lý vòng hoa, nhang đèn, trái cây… rất vất vả đối với tang gia và là một sự khá lãng phí.
Thời gian gần đây, ban tổ chức của nhiều đám tang đã ghi thông báo hẳn hoi, rõ ràng trên tin buồn, bản cáo phó: “Tang gia xin nhận phúng điếu để làm từ thiện”, kèm theo việc tang gia có chuẩn bị vòng hoa luân lưu. Kể từ đó, tang lễ đã bớt rườm rà với quá nhiều vòng hoa mà vẫn thể hiện được sự trang trọng.
Bà Hồ Mỹ Hạnh, nhà ở quận 1, TPHCM, cho biết: “Mẹ tôi vừa qua đời. Khi biết bệnh tình của mẹ tôi chuyển nặng, sức khỏe giảm sút, gia đình đã họp bàn chuẩn bị cho tang lễ; và nhận phúng điếu, vòng hoa, nhang đèn hay không là nội dung được gia đình bàn bạc rất kỹ. Chúng tôi xin nhận phúng điếu và ghi rõ mục đích của việc này trên bản cáo phó là dành cho việc từ thiện. Sau tang lễ, chúng tôi đã chuyển toàn bộ số tiền phúng điếu đến Báo SGGP và Đài phát thanh TPHCM để đóng góp vào các chương trình từ thiện, vì đây là các đơn vị đang thực hiện nhiều chương trình từ thiện xã hội có sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”.
Tháng 8-2024, gia đình bác sĩ Nguyễn Văn Thành (nguyên Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh) đã đến Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP đóng góp 148.325.000 đồng (là tiền phúng điếu trong đám tang của bác sĩ Nguyễn Văn Thành) để giúp các bệnh nhi nghèo tại TPHCM mắc bệnh ung thư.
Số tiền này nằm trong tổng số tiền gần 300 triệu đồng mà gia đình bác sĩ Nguyễn Văn Thành trao tặng đến bệnh nhi ung thư nghèo tại TPHCM và Quỹ Khuyến học tỉnh Tây Ninh. Thông qua Báo SGGP, gia đình mong nhiều bệnh nhi ung thư nghèo sẽ được tiếp sức chữa trị kịp thời, kéo dài sự sống.