Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch ​

Chiều 8-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phải giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động

Tại tổ TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) và các ĐB đều đánh giá cao kết quả phòng chống Covid-19 thành công của Việt Nam, với mục tiêu kép. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, năm nay kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng rất nặng, nhất là Mỹ, EU, hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong khi đó, hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng cũng giảm sâu. Vì thế, Việt Nam phải đặt ra mục tiêu của mình là gì?

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, mục tiêu thứ nhất là phải giữ thành quả kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, lơ là. Phải giữ được thành quả đó, vì dịch vẫn hết sức phức tạp, nếu lơ là kiểm soát ở sân bay, cửa khẩu, biên giới, đường mòn thì sẽ hết sức nguy hiểm.

Thứ 2, ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, vì thế liên tục tăng trưởng.

Thứ ba, phải bảo đảm được an sinh xã hội, vừa qua đã triển khai rất nhanh các gói bảo đảm an sinh xã hội, tới đây cần làm tốt hơn.

Thứ 4, phải giúp doanh nghiệp (DN) giữ được chân người lao động. “Từ đầu năm đến nay có khoảng 26.000 DN tạm ngừng hoạt động, con số này tăng. Nhưng số DN làm thủ tục giải thể giảm, tức là DN vẫn chờ cơ hội để phục hội phát triển, là tín hiệu tốt, do đó cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ DN cả về chính sách thuế, phí.. Cần có gói hỗ trợ nhanh cho DN như vừa qua hoặc cao hơn”, ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích.

Thứ 5, giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy nhanh, nếu giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm nay thì hiệu quả rất tốt, vì thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng. Tuy nhiên, giải ngân đầu cư công phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, tránh dàn trải, thiếu kiểm soát. “Vì cần giải ngân nhanh, nên phải kiểm soát, kiểm toán chặt chẽ. Trong đó, ủng hộ việc chuyển một số dự án đường cao tốc sang đầu tư công để đáp ứng nhu cầu hạ tầng. Song song đó, cần đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng  Việt Nam. Hỗ trợ thương mại trực tuyến cho xúc tiến đầu tư và tiêu thụ hàng hóa, nhất là trong bối cảnh còn dịch”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.

Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch ​ ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Về dài hạn, cần tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu DN nhà nước, đầu tư cho DN trọng điểm; phát  triển kinh tế tư nhân. “Tới đây Quốc hội sẽ thông qua giảm 30% thuế thu nhập cho DN vừa và nhỏ, nhưng điều mà họ cần nhất bây giờ là tồn tại. DN phải tiếp cận được vốn, mà tài sản thế chấp hiện đang là điểm vướng lớn. Các ngân hàng bây giờ đang rất thận trọng cho DV vay, do đó cần có tổ chức, nhất là các quỹ tín dụng đứng ra bảo lãnh tín dụng cho DN, muốn thế Nhà nước phải hỗ trợ quỹ tín dụng làm việc này”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Cùng quan điểm, các ĐB Trần Anh Tuấn (THHCM), ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đều có ý kiến  tin rằng với sự chỉ đạo toàn diện của Đảng, chúng ta sẽ nhanh vượt qua khó khăn. Điều quan trọng bây giờ là các giải pháp để DN phục hồi, trong đó, cấp bách nhất hiện nay là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. “Các giải pháp đều đã đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao. Đừng để chiếc xe đang chạy bị hết xăng phải dừng lại giữa đường”, ĐB Nguyễn Văn Chương nêu. Cần xem lại các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã thực sự có hiệu quả chưa, kể cả các chính sách giãn, giảm, miễn thuế phí, cần có đánh giá lại.
Nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch ​ ảnh 2 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM)  phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng  cho rằng Chính phủ đã dự báo được tình hình. Tuy nhiên cần tiếp tục đưa ra một số phương án tăng trưởng với những định lượng cụ thể về tác động của dịch đối với nền kinh tế. Phải chỉ rõ ngành nào, lĩnh vực nào bị tác động đến đâu. Vì có những ngành sẽ phục hồi nhanh, ngành phục hồi chậm, từ đó đưa ra được những giải pháp cụ thể. ĐB cho rằng, chính sách phải đi kèm thực tiễn, sát thực tiễn, cụ thể. Ví dụ đưa ra các gói an sinh xã hội nhưng nếu không gắn với ngân sách Nhà nước, không điều tra kỹ thì hiệu quả cũng sẽ không như mong muốn.
“Gói dành cho hộ nghèo, người lao động mất việc, tại sao có nhiều người tự nguyện không nhận chính sách đó? Qua đó cho thấy không được có chính sách cào bằng. Phải rõ ra được đối tượng nào cần hỗ trợ. Nếu trúng đối tượng thì vừa bảo đảm công bằng, tạo sự đồng thuận, vừa không tốn quá nhiều nguồn lực đất nước. Các gói phải có ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Chính sách đưa ra Quốc hội phải đi kèm dự báo sát thực tiễn”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.
Đầu tàu phải là nơi đáng sống

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ vừa qua đã triển khai: Điều hành linh hoạt, kịp thời, có sự đồng lòng của xã hội, từng người dân, DN, nhưng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ngành cần hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch. Việt Nam rất đẹp, nhu cầu du lịch của dân rất cao, giải pháp nào để kích cầu, phục hồi nhanh du lịch nội địa thì ngành du lịch cần phải chủ động đề xuất, cùng với đó là sự trợ lực của nhà nước. Bên cạnh đó, là sản xuất hàng hóa nội địa; vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cần chỉ rõ  ngành nào đang cần đẩy mạnh, hàng hóa nào người Việt Nam đang có nhu cầu lớn, từ đó có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

“Ví dụ, thịt heo khan hiếm, giá cao, Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa đâu đến đâu, chưa tái cơ cấu được ngành chăn nuôi, chưa tái được đàn, chưa bình ổn được giá. Bởi chính sách thì nhiều nhưng giải pháp không cụ thể, nên không làm được, ngay cả việc nhập khẩu thịt heo về cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, chính sách phải đi liền với dự báo, giải pháp cụ thể, rõ người rõ việc, nếu chỉ nói chung chung thì hiệu quả không thể cao”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích.

Song song đó, cần đánh giá được thị trường lao động sau đại dịch Covid-19, liệu người lao động có mất việc không; công nghệ thay thế lao động như thế nào, Chính phủ phải đánh giá để có giải pháp, không phải chỉ là việc hỗ trợ 1 triệu đồng cho lao động mất việc trong ngắn hạn, mà căn cơ phải là vấn đề việc làm dài hạn của họ. Cuối cùng là vấn đề tiết kiệm chi tiêu ngân sách, siết chặt chi tiêu thường xuyên, giải ngân đầu tư công phải có trọng điểm, cái gì cần đẩy mạnh chi tiêu, cái gì phải hoãn lại, chứ không đơn thuần chỉ là việc thắt chặt chi tiêu, hoãn tăng lương.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng đồng tình quan điểm cần nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch cũng như chuẩn bị đất để thu hút đầu tư FDI, điều này các nước đã và đang làm mạnh.
“Cần tránh đầu tư cào bằng, không vực dậy được những đầu tàu. Đã là đầu tàu thì phải được đầu tư có trọng điểm để thực sự có sức lan tỏa. Nếu đầu tư trọng điểm cho vùng kinh tế phía Nam, cho TPHCM thì hiệu quả tác động trở lại những vùng miền khác sẽ rất lớn; nếu để TPHCM tụt hậu thì vai trò đầu tàu không được phát huy. Cần có sự chuyển hướng đầu tư, đặt lợi ích quốc gia lên đầu, chỉ khi nơi đầu tàu là nơi đáng sống, có chất lượng nguồn nhân lực cao... thì lúc đó kinh tế quốc gia mới có sức bật”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Kiên trì giải quyết những tồn đọng cũ

ĐB Thuận Hữu (Hải Phòng) khuyến cáo không nên trông chờ vào “làn sóng” chuyển dịch đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc trong ngắn hạn. “Nhà đầu tư dễ gì dịch chuyển trong ngày một, ngày hai bởi không thể phủ nhận vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc; chưa kể còn có một số nền kinh tế nổi lên như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Quan trọng là chúng ta phải phát triển được công nghiệp phụ trợ và thị trường lao động thì mới tận dụng được cơ hội”, ĐB Thuận Hữu nói.

Trăn trở về “hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu” của các dự án thua lỗ kéo dài, ĐB Thuận Hữu đề nghị quyết tâm giải quyết dứt điểm những tồn đọng bức xúc này, bởi càng để lâu càng mất mát, thua lỗ.

“Thủ tướng quyết liệt nhưng các bộ ngành hình như chưa quyết liệt cùng. Khi nêu vấn đề chịu trách nhiệm thì không ai dám quyết cả”, ĐB Thuận Hữu nói. Quay sang ĐB Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn), Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ĐB Thuận Hữu nói: “Tôi chắc anh Thanh ở đây biết rất rõ, với công trình nhiệt điện Thái Bình, mỗi ngày mất đứt chúng ta một xe Toyota, chưa kể mất mát niềm tin”.

Nhắc đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ĐB Thuận Hữu cũng cho rằng công trình dang dở này “như một nhát dao chém vào lòng tin của người dân” và trăn trở về giải pháp nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng, kể cả biến thành bảo tàng đường sắt cho người dân đến tham quan du lịch…

Tham gia thảo luận tổ, nêu khái quát những thành tựu của đất nước trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ĐB Hải Phòng) chia sẻ: “Mô hình quản trị của đất nước 100 triệu dân với định hướng Xã hội chủ nghĩa là rất khó, trong khi các thế lực thù địch chống phá ta rất nặng nề. Thế nhưng, từ một đất nước thiếu ăn, nợ nần chồng chất, thành quả của chúng ta đạt được hiện nay là rất to lớn. Thế giới tin tưởng và thậm chí ca ngợi Việt Nam, nhất là trong thành tựu phòng chống dịch Covid-19. Có người nói vui rằng, vừa qua nếu cột điện biết đi thì nó sẽ chạy từ Mỹ về Việt Nam”. 

Liên quan đến các dự án thua lỗ tồn đọng, Thủ tướng cho rằng có những sai lầm trong quá khứ để lại hậu quả rất nặng nề, nhưng quá trình khắc phục phải từng bước, không thể vì sốt ruột mà để mất thêm cán bộ nữa. Khẳng định Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới, Thủ tướng yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, nhất là chữa cho được căn bệnh trì trệ, sợ trách nhiệm. Về giải ngân đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, bộ nào, địa phương nào không làm tốt sẽ điều chuyển vốn sang chỗ khác, đồng thời xử lý trách nhiệm. Lưu ý trong lúc toàn cầu vẫn đang chìm trong khó khăn, Việt Nam vẫn phải đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung cầu và mất đi khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, Thủ tướng mong muốn Quốc hội đồng lòng với Chính phủ để kiên trì giải quyết những tồn đọng cũ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

BẢO VÂN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Khắc phục nhược điểm trong phân bổ, triển khai thực hiện đầu tư công
 Quốc hội ghi nhận những thành tích trong phòng chống dịch Covid-19. Về tình hình kinh tế - xã hội, do năm 2019 “thắng lớn” nên ngay đầu năm 2020 tuy bị ảnh hưởng vì chống dịch, cả thế giới tăng trưởng âm nhưng quý 1 Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%. Lần này Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu mà vẫn cố gắng đạt mục tiêu, song ngân sách sẽ khó khăn, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng, bội chi năm nay sẽ tăng lên trong khi chúng ta phải đảm bảo nợ công ở mức an toàn. Cần khắc phục nhược điểm cố hữu là chậm trễ trong phân bổ, triển khai thực hiện đầu tư công. Chính phủ cần kiên quyết điều hành theo hướng nơi nào chậm trễ, bố trí vốn nhưng không triển khai được sẽ điều chuyển cho những dự án, lĩnh vực có hiệu quả. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chuyển một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư kết hợp (PPP) sang đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục