Nhập nhèm công - tư

Bộ Y tế vừa triển khai kế hoạch thanh tra về cung cấp dịch vụ xã hội hóa y tế tại các bệnh viện (BV) công. Trong đó, Thanh tra Bộ Y tế sẽ trực tiếp thanh tra các BV trực thuộc bộ, phối hợp với thanh tra các sở y tế thanh, kiểm tra dịch vụ xã hội hóa tại các BV tuyến tỉnh. Đây là một trong những động thái để sớm chấn chỉnh tình trạng “nhập nhèm” công - tư hiện nay trong BV công lập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.
Nhập nhèm công - tư

Dịch vụ y tế trong bệnh viện công

Bộ Y tế vừa triển khai kế hoạch thanh tra về cung cấp dịch vụ xã hội hóa y tế tại các bệnh viện (BV) công. Trong đó, Thanh tra Bộ Y tế sẽ trực tiếp thanh tra các BV trực thuộc bộ, phối hợp với thanh tra các sở y tế thanh, kiểm tra dịch vụ xã hội hóa tại các BV tuyến tỉnh. Đây là một trong những động thái để sớm chấn chỉnh tình trạng “nhập nhèm” công - tư hiện nay trong BV công lập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.

Lấy công làm tư

Điều tất yếu đã phải đến khi UBND TPHCM vừa yêu cầu giải thể khoa Bán công của BV Mắt TPHCM. Đây là mô hình công - tư kết hợp tồn tại từ nhiều năm qua đã thu hút một lượng lớn bệnh nhân đến khám, điều trị, thu về nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề là ai hưởng lợi từ mô hình này khi cơ sở vật chất vốn dĩ của nhà nước! Không chỉ tại BV Mắt TPHCM, việc xã hội hóa trong BV công tại TPHCM đã “trăm hoa đua nở” từ những năm 2007 - 2008 khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính được triển khai. Nhiều BV vốn có lượng bệnh nhân đông, ổn định, đã coi đây là cơ hội để tăng thu nhập cho BV, cải thiện đời sống y bác sĩ. Chính vì vậy, hầu hết các BV công tại TPHCM đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khoa khám chữa bệnh ngoài giờ, xã hội hóa mua sắm máy móc. Nói chung, “cái gì làm dịch vụ được thì cho dịch vụ”. Bên cạnh được phép huy động nguồn vốn bên ngoài, vốn kích cầu, BV còn thu hút đầu tư đóng góp của cán bộ, y bác sĩ, thậm chí liên kết với tư nhân bên ngoài để làm… dịch vụ. Có nghĩa, y bác sĩ trong BV cũng “bắt tay” làm ăn theo kiểu gọi là “xã hội hóa”.

Với “phong trào” này, xu hướng “lấy công làm tư” được thể hiện khá rõ khi cơ sở vật chất, nhân sự đều do nhà nước đầu tư, đào tạo, trả lương nhưng lại phục vụ cho mục đích tư. Chưa hết, chẳng hạn y bác sĩ của một BV góp tiền mua một máy siêu âm thì khi bệnh nhân khám bệnh, bệnh không cần siêu âm nhiều lúc cũng bị bắt siêu âm để… tăng nguồn thu. Bệnh nhân bị “đè cổ” ra chịu dịch vụ phí vô tội vạ!

Bệnh nhân ngồi chờ đóng tiền mua thuốc. Ảnh: Cao Thăng

Bệnh nhân ngồi chờ đóng tiền mua thuốc. Ảnh: Cao Thăng

“Sân sau” của bệnh viện công

Dịch vụ y tế xã hội hóa trong BV công do giám đốc BV chịu trách nhiệm triển khai, quyết định về giá dịch vụ, giá giường; tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu/tổng giường điều trị theo kế hoạch. Chính vì vậy mà dư luận đã tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng “tăng thu, tận thu và lạm thu” dịch vụ tại các BV công lập. Không chỉ khám dịch vụ, người bệnh còn bị chỉ định xét nghiệm, chiếu - chụp… chóng mặt, mà giá dịch vụ ở các BV công cũng bị “đẩy” lên chẳng thua kém BV tư. Chẳng hạn tại một BV công, giá chụp MRI dịch vụ không có thuốc cản quang là 2 triệu đồng/lần, có thuốc cản quang là 2,5 triệu đồng/lần, thì giá chụp MRI tương tự tại một BV tư nhân cũng dao động từ 2,3 - 2,6 triệu đồng/lần. Hay như giá chụp CT scan dịch vụ tại một BV công từ 500.000 đến 1.250.000 đồng/lần, ngang ngửa với giá tại các BV tư. Đối với các loại xét nghiệm kỹ thuật cao như sinh thiết, nội soi, giá dịch vụ tại BV công đôi khi còn cao hơn BV tư. Chưa hết, các loại dịch vụ khác trong BV công cũng được tận dụng hết mức như giường dịch vụ, phẫu thuật, chỉ định bác sĩ điều trị theo yêu cầu...

Để có được một gường nằm điều trị, bệnh nhân phải đóng các khoản phí không nhỏ.

Để có được một gường nằm điều trị, bệnh nhân phải đóng các khoản phí không nhỏ.

Trong khi đó, vẫn tồn tại tình trạng nhập nhèm giữa công - tư trong BV công khi các khoản chi phí như điện, nước, vật tư tiêu hao trang thiết bị, cơ sở vật chất đều được tính vào ngân sách… Trong một hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thẳng thắn cho biết, việc liên doanh, liên kết bằng cách góp vốn mua sắm trang thiết bị y tế hay dịch vụ xã hội hóa trong BV công lập phần lớn là hướng vào mục đích thu lợi nhuận, có thể dẫn đến lạm dụng dịch vụ, làm tăng chi phí cho người bệnh. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn lo ngại, nếu không quản lý chặt thì xã hội hóa y tế sẽ trở thành dịch vụ tư trong BV công. Ông Tuấn cũng nhìn nhận, khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu hay khám chữa bệnh chất lượng cao có thể trở thành “sân sau” của BV công. Điều này có nguy cơ dẫn đến hành vi tiêu cực là sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công phục vụ cho các hoạt động tư.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo thanh, kiểm tra cung cấp dịch vụ xã hội hóa y tế tại các BV công. Liên bộ Tài chính - Bộ Y tế cũng đang dự thảo thông tư liên tịch quy định mức tối đa của khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí của một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các BV công lập như lương nhân viên, khấu hao thiết bị, thuốc vật tư y tế, xử lý môi trường… Đồng thời cũng sẽ quy định rõ về việc tổ chức dịch vụ trong BV công với tiêu chí “công ra công, tư ra tư”, tiến tới cơ chế tách bạch để bệnh nhân không bị phân biệt đối xử ngay trong một môi trường là BV công cũng như hạn chế các tiêu cực, bất cập.

Yêu cầu các bệnh viện báo cáo trước 30-9

Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Sở Y tế TPHCM cho biết sở này đã yêu cầu các đơn vị BV trực thuộc báo cáo công tác xã hội hóa, dịch vụ tại BV. Theo đó, hạn cuối là 30-9, các BV phải nộp về Sở Y tế để tổng hợp nhằm sớm phục vụ việc sơ kết, đánh giá công tác xã hội hóa y tế, dịch vụ khám chữa bệnh tại các BV công ở TPHCM hiện nay. Theo bà Liễu, hiện dịch vụ, xã hội hóa trong các BV công cũng còn không ít bất cập. Do đó, việc thanh kiểm tra và xử lý nghiêm túc là cần thiết.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục