Nhật Bản: 1.000 ca hiến tạng trong 26 năm

Mặc dù số ca hiến tạng từ người chết não gần đây đang tăng, nhưng mới chỉ có chưa đến 3% số bệnh nhân cần ghép tạng được cho tạng để thực hiện phẫu thuật do thiếu người hiến tặng trầm trọng.
Thẻ hiến tạng được phát miễn phí tại các cơ sở y tế ở Nhật Bản. Ảnh : YOMIURI SHIMBUN
Thẻ hiến tạng được phát miễn phí tại các cơ sở y tế ở Nhật Bản. Ảnh : YOMIURI SHIMBUN

Truyền thông Nhật Bản dẫn số liệu từ Mạng lưới ghép tạng nước này cho biết, kể từ khi luật hiến tạng chính thức có hiệu lực vào năm 1997, đến nay, Nhật Bản vừa ghi nhận ca hiến tạng thứ 1.000 từ người chết não. Theo Jiji Press, người hiến tạng thứ 1.000 là nam giới trong độ tuổi 60 ở miền Tây Nhật Bản. Sau khi ông được tuyên bố chết não theo quy định của luật pháp, các bác sĩ đã tiến hành cấy ghép các bộ phận tim, phổi, gan và thận của ông cho các bệnh nhân cần được ghép tạng.

Tại Nhật Bản, ca ghép tạng đầu tiên từ người chết não theo luật được tiến hành năm 1999. Tuy nhiên, số lượng hiến tạng hàng năm chỉ từ 3 đến 13, từ năm 1999 đến 2009, do việc này đòi hỏi phải có tuyên bố bằng văn bản của chính người hiến tặng. Luật pháp yêu cầu người hiến tặng phải chứng minh rằng họ muốn trở thành người hiến tạng khi họ vẫn còn sống.

Tuy nhiên, luật sửa đổi năm 2010 cho phép việc hiến tạng được thực hiện nếu có sự đồng thuận của một thành viên gia đình người hiến tặng, đồng thời cho phép hiến tạng của trẻ dưới 15 tuổi. Trong năm 2010, nhờ luật sửa đổi, số người hiến tạng tăng lên 32 và đạt mức cao kỷ lục là 97 vào năm 2019.

Mặc dù số ca hiến tạng từ người chết não gần đây đang tăng, nhưng mới chỉ có chưa đến 3% số bệnh nhân cần ghép tạng được cho tạng để thực hiện phẫu thuật do thiếu người hiến tặng trầm trọng.

Tin cùng chuyên mục