Nhếch nhác trạm dừng, nhà chờ xe buýt

Bên cạnh những nhà chờ khang trang, phục vụ nhu cầu của hành khách đi xe buýt, vẫn có những nhà chờ, trạm dừng còn khá nhếch nhác, mất mỹ quan, bị chiếm dụng… Sự vô ý thức của một bộ phận người dân và sự đầu tư chưa đúng mức đã khiến nơi đưa đón, trả khách trở nên ám ảnh.

Những năm qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trạm dừng, nhà chờ xe buýt. Tuy nhiên, nhiều trạm dừng, nhà chờ vẫn còn tồn tại những hình ảnh “chướng tai, gai mắt”.

Tại các nhà chờ xe buýt trong nội thành, không khó nhìn thấy hình ảnh do những “họa sĩ đường phố” xịt sơn, vẽ bậy. Các bảng hiệu trong nhà chờ trở thành nơi để những “nghệ sĩ” này sáng tạo đủ loại ngôn ngữ, gây mất mỹ quan đô thị, phản cảm với người nhìn. 

Nhà chờ xe buýt trên đường CMT8 (quận 3). Ảnh: TRÍ NHÂN

Tại một số tuyến đường trung tâm, nhiều nhà chờ dù không còn sử dụng, bị gỉ sét... nhưng vẫn chưa được gỡ bỏ. Người dân sử dụng nơi này thành chỗ… chất phế liệu.

Nhà chờ xe buýt trên đường Võ Văn Tần (quận 3) bị bỏ hoang. Ảnh: TRÍ NHÂN
Những nhà chờ xe buýt từ lâu cũng trở thành nơi quảng cáo "hộ" cho những dịch vụ như rút hầm cầu, cho thuê nhà nguyên căn, cho vay trả góp, bán đất nền… Nhiều tờ quảng cáo phô-tô được dán che cả bản đồ các tuyến xe buýt trong nhà chờ.
Trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), nhiều nhà chờ xe buýt thành nơi quảng cáo "hộ" cho các dịch vụ cho vay
Dọc theo tuyến đường Trường Chinh (quận 12, TPHCM) hướng về về ngã tư An Sương, nhiều nhà chờ bị người dân vô tư xả rác. Một số nhà chờ xe buýt ven Quốc lộ 1 (quận 12, TPHCM) thì đầy rác. Một bộ phận người bán hàng rong và người dân đã vô tư xả rác, mặc dù xung quanh có những thùng đựng rác được lắp đặt.  

Chia sẻ về nỗi ám ảnh khi đứng chờ xe buýt, sinh viên Trần Ngọc Phong (quận 3, TPHCM) cho biết: “Có lần, em đang đứng tại một trạm dừng xe buýt ở quận 3. Hôm ấy trời mưa, do không có mái che nên một sợi dây điện rớt từ trên xuống ngay người hành khách, làm em và mọi người xung quanh vô cùng hoảng sợ. Từ đó về sau, mỗi lần chờ xe buýt dưới trời mưa là em luôn bị ám ảnh và… nhìn lên trời”.

Không ít nhà chờ đã biến thành "bãi đỗ xe" của các tài xế xe ôm. Chị Nguyễn Thị Mỹ Chi (46 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn) cho biết: “Nhà chờ là nơi để khách đi xe buýt sử dụng, thế nhưng rất nhiều tài xế xe ôm lại chiếm làm nơi đậu xe. Đã vậy, nhiều người bán hàng rong lại ngồi trong nhà chờ, để cho những người đi xe buýt phải… đứng chờ vì không có chỗ ngồi".

Tại một trạm dừng trên xa lộ Hà Nội (quận 2) hướng về Cầu Sài Gòn, chúng tôi quan sát thấy xung quanh nơi này đã trở thành… "khu kinh doanh phức hợp" với đầy đủ quán nước, quán cơm, bán bánh mì… vô tư dựng ngang nhiên trên xa lộ. Thậm chí, khi vắng nguời, nhiều hàng quán còn bày bàn ghế ra sát đường.

Theo ghi nhận, nhiều người dân sau khi lên xuống trạm dừng đã phải chen chúc nhau giữa trưa nắng vì không có chỗ đứng đợi. Mỗi ngày, nơi đây có hàng trăm lượt xe buýt đưa đón khách lên xuống. Vì không có mái che nên nhiều người đã phải chọn giải pháp… vào uống nước để có chỗ trú nắng. 
Nhếch nhác trạm dừng, nhà chờ xe buýt ảnh 4 Nhiều người dân sau khi lên xuống trạm dừng phải chen chúc nhau giữa trưa nắng vì không có chỗ đứng đợi. Ảnh: TRÍ NHÂN

Bà Nguyễn Thị Gấm (quận 2, TPHCM) bức xúc: “Mỗi lần tôi xuống trạm dừng này, tôi mệt mỏi vì phải đứng ngoài trời nắng, rất vất vả. Nếu đứng ngay chỗ buôn bán của người ta thì chính mình cũng rất thấy kỳ, nhưng chỗ này đâu phải nơi buôn bán”.

Trạm dừng xe buýt trên Xa lộ Hà Nội (quận 2) trở thành điểm tập kết của các hàng quán một cách ngang nhiên. Ảnh: TRÍ NHÂN
Khảo sát tại một số trạm dừng xe buýt tại quận Tân Phú, TPHCM, tình hình cũng tương tự. Một số nhà chờ, trạm dừng trở thành nơi buôn bán tấp nập. Nhiều người bày bán công khai, lấn chiếm lề đường khiến khách chờ xe buýt phải đứng chờ dưới lòng đường.
Nhếch nhác trạm dừng, nhà chờ xe buýt ảnh 6 Lề đường tại trạm dừng xe buýt trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) bị người dân lấn chiếm làm nơi buôn bán. Ảnh: TRÍ NHÂN
Các trạm chờ, nhà chờ xe buýt gần Suối Tiên luôn đông đúc bởi các tuyến xe buýt như số 8, 19, 150, 601, 604, 10, 50, 33, 99, 76... đi qua. Ngoài ra, tại đây còn có các xe khách đi các tỉnh vùng lân cận như Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Lạt... Thế nhưng, tại khu vực này đã mọc lên những quán nước, gây nhếch nhác.
Thiết nghĩ, để hành khách ưu tiên lựa chọn đi lại bằng phương tiện xe buýt công cộng, nhằm kéo giảm lượng xe cá nhân lưu thông trên đường, các đơn vị kinh doanh loại hình vận tải xe buýt cần đầu tư, nâng cấp và quản lý hiệu quả các nhà chờ xe buýt hơn nữa.
Bên cạnh đó, để người dân nâng cao ý thức cũng cần có sự hỗ trợ của lực lượng ban ngành liên quan với những giải pháp khắc phục, kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm tại các trạm dừng, nhà chờ xe buýt.

Tin cùng chuyên mục