Nhiệt độ của sắc màu và đá

Nhiệt độ của sắc màu và đá

Khi chọn tên cho tập sách của mình, hẳn nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng muốn khẳng định mình qua con đường nghệ thuật gian khổ và có phần tự tin. Tên tập sách là “Nghệ thuật Phạm Văn Hạng” chứ không phải “Hội họa…”, “Mỹ thuật…” hay “Tranh tượng điêu khắc… Phạm Văn Hạng”? Nghệ thuật Phạm Văn Hạng, ta có thể hình dung là một cuộc vật lộn tìm kiếm, giải quyết mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa âm và dương, giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế…

Nhiệt độ của sắc màu và đá ảnh 1

Bìa sách: Phạm Văn Hạng (tượng của Nguyễn  Hải); Tượng đài Mẹ dũng sĩ.

Đám bạn bè chúng tôi gồm Nguyễn Nhân, Nguyễn Hạo, Cung Văn, Hoàng Yên Dy, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Lâm, Nguyễn Trọng Khôi… gặp Phạm Văn Hạng ngay sau ngày 30-4 lịch sử. Hồi ấy, anh Hạng thuê một mặt bằng nhỏ trên đường Trần Quang Khải, quận 1 TPHCM, để cùng anh em giới hội họa Sài Gòn xa nhà gặp nhau và hành nghề kiếm sống. Anh Hạng có dùng những ngón tay khô ráp vẽ chân dung bạn bè. Anh Hạng vẽ khuôn mặt tôi như một nắm đấm gầy guộc, tôi rất thích và vẫn giữ như một kỷ vật quý.

Sinh ra và lớn lên ngay phía Nam đèo Hải Vân, nhiều đá núi. Làm đủ nghề để sống, kể cả đạp xe ba gác, kéo màn cho gánh hát… Phạm Văn Hạng bắt gặp, quan sát và vẽ nhiều bức tranh mà sau này trở thành những bức phù điêu hoành tráng của những tượng đài lớn khắp miền quê hương đất nước. Cũng như tất cả những người con đất Quảng, Phạm Văn Hạng học tập, dấn thân và luôn muốn khăûng định mình.

Với tác phẩm Chứng tích (1970) mà ngày nay ta có thể gọi là nghệ thuật sắp đặt, Phạm Văn Hạng bỏ ra 5 năm để thu gom tư liệu, vật liệu, bố cục… đó là một lời cảnh báo và tố cáo chiến tranh, tạo ấn tượng mạnh trong công chúng Sài Gòn. Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Quýnh, qua các bài giảng tại các đại học ở Mỹ, trong công trình tổng kết hơn 50 năm Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đã nhận xét: “Tác phẩm Chứng tích của Phạm Văn Hạng cho thấy anh có năng lực thể hiện tính hiện đại trong mỹ thuật”.

Là một người dũng cảm dấn thân và tìm kiếm có tài, Phạm Văn Hạng đã và đang là một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam qua các công trình tượng đài như Mẹ dũng sĩ, Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh, Nhà đày Lao Bảo, Hoàng đế Quang Trung, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi… Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng mơ ước có tượng đài tại Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, cùng với bạn bè, anh đã có sáng tác đề án tượng đài Thống nhất.

Điêu khắc là sở trường và sở đoản của Phạm Văn Hạng. Ở Đà Nẵng, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh… anh đều có các vườn tượng các danh nhân văn hóa Việt Nam.

Bằng sức sáng tạo dữ dội, bằng thành công được khẳng định, “Nghệ thuật Phạm Văn Hạng” là một thực tế của một phong cách. Cuốn sách công phu, hoành tráng và ngổn ngang như chính các công trình tượng đài của anh. Đây chưa phải là cuốn sách cuối của Phạm Văn Hạng nhưng là một tổng kết nhiều tác phẩm, nhiều tư liệu… mà hơn 40 năm hoạt động đã định hình một nghệ thuật Phạm Văn Hạng: mạnh mẽ và gợi cảm; tiên phong và bền vững; hiện đại và dân dã; truyền thống và cách tân… như suy nghĩ của anh, như đá núi quê anh.

LƯU XÁ

Tin cùng chuyên mục