
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (KTTVKVNB) cho biết, không khí lạnh đã chính thức ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam bộ.

Nước lũ nhấn chìm nhiều ngôi nhà.
Hôm qua (19-12), nhiệt độ ở TPHCM giảm xuống còn 19,2 độ C, một số khu vực ở Bình Phước (Đồng Phú) chỉ còn 18,6 độ C, riêng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 20 độ C. Trong khi nhiệt độ cao nhất ở Nam bộ vào khoảng 25 độ C - 29 độ C, tùy nơi.
Dự báo ngày mai, nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm, TPHCM khoảng 18 độ C - 19 độ C, các tỉnh Đông Nam bộ: 17 độ C - 18 độ C. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới đang xuất hiện ngoài biển Đông, các tỉnh Nam bộ, nhất là vùng ven biển và bán đảo Cà Mau… có mưa trở lại, có nơi mưa vừa đến mưa to và sẽ kéo dài trong vài ngày.
Theo Đài KTTVKVNB, từ lễ Giáng sinh đến sau Tết Dương lịch sẽ có đợt không khí lạnh mới tăng cường nên nhiệt độ trong khu vực sẽ còn tiếp tục giảm.
- Áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa to ở Nam Trung bộ
Tối 19-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở trong khoảng 8,6 độ vĩ Bắc, 111,5 độ kinh Đông, trên khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/ giờ), giật trên cấp 7. Dự báo sáng nay (20-12), ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15 km. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh ven biển Nam Trung bộ có mưa vừa, có nơi mưa to.
Khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa có mưa to và có gió xoáy mạnh cấp 7, giật trên cấp 7. Ngoài ra, do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với gió mùa Đông Bắc mạnh, nên vùng biển ngoài khơi từ Bình Định đến Cà Mau có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh; trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh trên cấp 8.
Trong khi đó, chiều 19-12, triều cường tại vùng biển An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên) tiếp tục dâng cao 4-5m (cao hơn 1m so với ngày 18-12) và đánh thẳng vào làng dân cư với chiều dài hơn 300m.
Được biết, bình thường mép biển cách làng 100m, nhưng đến chiều 19-12 thì biển đã xâm thực vào tận khu dân cư. Tính mạng ít nhất của 4 hộ dân bị đe dọa (chưa kể 40 nhà dân trong thôn đã bị sóng đánh nứt vách tường và tụt nền nhà, có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào mà Báo SGGP đã thông tin). Chính quyền xã đã vận động các hộ dân có nguy cơ bị triều cường uy hiếp di dời đi nơi khác. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Thành Quang đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo di dời dân và khắc phục hậu quả. Đợt triều cường này dự báo sẽ còn kéo dài 1 tuần nữa.
C.P. - L.V. - H.M.