Nhiều đơn vị xuất bản kêu cứu vì bị mạo danh

Mấy ngày qua, nhiều người trong giới xuất bản đã liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình của Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa) sau khi trên mạng xuất hiện các quảng cáo “phá sản, đóng cửa, ngưng hoạt động, thanh lý toàn bộ nhà sách” với hình ảnh nền là các nhà sách của Fahasa.

Theo ông Phạm Nam Thắng, Quyền Tổng Giám đốc Fahasa, tất cả thông tin này đều hoàn toàn bịa đặt, lừa đảo với mục đích thu hút người xem trang để dẫn đến việc quảng cáo những hoạt động khác của cá nhân chủ các tài khoản mạng xã hội này. Trước đây còn có tình trạng nhiều đối tượng sử dụng hình ảnh hoặc giả mạo nhân viên của Fahasa để đưa tin tuyển dụng, mua bán khiến đơn vị phải liên tục đưa thông tin cảnh báo.

Trên thực tế, sau dịch Covid-19, ngành xuất bản cả nước đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực và với vai trò nhà phát hành lớn nhất nước, Fahasa trở thành “hàn thử biểu” để ngành xuất bản trong nước đánh giá sức mua xuất bản phẩm của người dân. Trong tổng kết của toàn ngành xuất bản, in, phát hành vừa qua, thông tin Fahasa có doanh thu năm 2023 hơn 3.900 tỷ đồng và tình hình kinh doanh những tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tốt, đã được ngành xuất bản ghi nhận là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và làm động lực để các đơn vị xuất bản mạnh dạn đầu tư.

Chính vì vậy, việc các đối tượng xấu đưa ra các thông tin thất thiệt không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Fahasa mà còn có nguy cơ tác động xấu đến cả ngành xuất bản. Hiện Fahasa đang nhờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý.

Fahasa không phải là đơn vị xuất bản duy nhất gặp tình trạng này. Trước đó, Đường sách TPHCM cũng phát đi thông báo cảnh báo về tình trạng xuất hiện một số tài khoản trên Facebook chạy quảng cáo với hình ảnh Đường sách TPHCM. Nội dung quảng cáo xoay quanh việc đóng cửa hàng do doanh số bán hàng giảm, sẽ tặng các loại sách, cổ phiếu tài chính cho mọi người.

Theo đại diện của Đường sách TPHCM, việc sử dụng hình ảnh trên khiến độc giả hiểu lầm về hoạt động của đơn vị; ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Đường sách TPHCM cũng như các nhà xuất bản, công ty sách tại đây. Hiện Đường sách TPHCM vẫn đang hoạt động bình thường với sự góp mặt của nhiều nhà xuất bản, công ty sách uy tín, được độc giả tin yêu, ủng hộ.

“Chúng tôi kiên quyết lên án hành vi giả mạo này và kêu gọi mọi người chung tay cùng lên án những hành vi trái pháp luật nêu trên”, đại diện Đường sách TPHCM phát biểu.

Có thể thấy, mạng xã hội đã tạo ra một không gian mở, mang đến nhiều tiện lợi, nhưng đằng sau đó cũng có không ít những hệ lụy mà sự việc liên quan đến Fahasa và Đường sách TPHCM là ví dụ. Trước khi cơ quan chức năng kịp ngăn chặn thì chính những người sử dụng mạng xã hội cần xây dựng cho mình ý thức cảnh giác, tỉnh táo trước những chiêu lừa đảo, dẫn đến mất tiền hoặc thiệt hại khác.

Tin cùng chuyên mục