Nhiều hoạt động thiết thực giúp người lao động

Chiều 3-6, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với LĐLĐ TPHCM. Cùng tham dự có đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bảo vệ quyền và lợi ích người lao động

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM cho biết, thời gian qua các cấp công đoàn TP có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong đợt dịch Covid-19, để chăm lo cho đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng, LĐLĐ TP đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực. Ngoài chăm lo trực tiếp, các công đoàn cấp trên và công đoàn cơ sở đã chủ động ký kết “Chương trình Phúc lợi đoàn viên” với hơn 300 đơn vị, doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ với giá rẻ hơn thị trường từ 10% - 35% cho người lao động; Tổ chức Tài chính Vi mô CEP hỗ trợ cho hơn 355.500 lượt công nhân lao động vay gần 7.880 tỷ đồng để tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập.

Tính đến nay, các cấp công đoàn TP đã chăm lo 18.069 đoàn viên với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng; vận động các chủ nhà trọ giảm giá cho thuê 57.606 phòng trọ, miễn thu tiền 200 phòng; chăm lo 742 đoàn viên thuộc các nghiệp đoàn nhóm trẻ tư thục với tổng số tiền 890 triệu đồng; hỗ trợ 7.000 suất ăn cho công nhân.

Đặc biệt, trong dịp Tết Canh Tý 2020, các cấp công đoàn TP đã phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có trong toàn hệ thống, đồng thời vận động các doanh nghiệp, tổ chức thăm và tặng gần 826.000 suất quà tết cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất… với tổng kinh phí trên 417 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn TP cũng chú trọng thành lập nghiệp đoàn và phát triển đoàn viên công đoàn khu vực lao động phi chính thức; vận động thành lập gần 1.720 công đoàn cơ sở, phát triển trên 118.600 đoàn viên. Từ đầu năm đến nay, từ sự giới thiệu của các cấp công đoàn TP, 544 đoàn viên ưu tú đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, trong đó có 22 công nhân trực tiếp sản xuất.

Phối hợp chăm lo tốt hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Thị Dung cho rằng các cấp công đoàn TP cần phải thể hiện vai trò chủ động trong việc tập hợp người lao động vào tổ chức cũng như chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên. “Chăm lo cho người lao động nòng cốt vẫn là công đoàn nhưng cần phải phối hợp với chính quyền và các đoàn thể khác để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Bên cạnh quan tâm việc làm, thu nhập, sức khỏe cho người lao động cũng phải chăm lo cho con em người lao động, vì nhiều người phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc nên trẻ sẽ bị thiệt thòi về nhiều mặt”, đồng chí Võ Thị Dung đề nghị. Đồng chí Võ Thị Dung cũng kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần sớm nghiên cứu thành lập quỹ để chăm lo cho người lao động trong những trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang 
phát biểu trong buổi làm việc với Liên đoàn Lao động TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Đình Khang đánh giá cao hoạt động của các cấp công đoàn TPHCM thời gian qua, nhất là trong dịch Covid-19, tổ chức công đoàn TP đã có sự vào cuộc sớm, triển khai nhanh việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng. Nhiều hoạt động hay, thiết thực cũng được triển khai, giúp người lao động thêm động lực vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị LĐLĐ TPHCM tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, chương trình, kế hoạch mà Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra; triển khai sớm kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, cần tập trung phát triển đoàn viên trong những khu vực dịch vụ, công nghệ cao, phi kết cấu không có quan hệ lao động, từ đó xây dựng một hình mẫu chung cho tổ chức công đoàn Việt Nam.

“Các cấp công đoàn TPHCM phải tăng cường thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đưa vào thỏa ước lao động tập thể những điều khoản có lợi cho người lao động. Bên cạnh đó cần triển khai nhanh việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng như đánh giá sự biến động đoàn viên công đoàn sau dịch bệnh. Các đồng chí phải luôn xác định mình nằm trên địa bàn chiến lược, là hình mẫu tiêu biểu của tổ chức công đoàn, do đó các chương trình, hoạt động phải hết sức thiết thực, phù hợp với người lao động”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Ngày 3-6, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đến thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong (tại quận Gò Vấp, TPHCM). Theo đại diện Công ty Huê Phong, hiện công ty có 2.488 lao động, trong đó có 2.239 là nữ, lương bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu, dẫn đến hơn 90% đơn hàng bị hủy. Do đó, công ty phải cắt giảm 2.220 lao động. Hiện công ty đã chi gần 53 tỷ đồng để trả trợ cấp mất việc làm cho công nhân.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang đánh giá cao sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo công ty, công đoàn cơ sở công ty đối với người lao động trong bối cảnh phải chịu nhiều khó khăn. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp, người lao động của công ty phải gánh chịu và mong người lao động cùng chia sẻ với doanh nghiệp, tích cực lao động sản xuất để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Quận ủy, UBND quận Gò Vấp đã tặng 50 phần quà, mỗi phần trị giá 1,5 triệu đồng cho nữ công nhân đang mang thai có hoàn cảnh khó khăn.

Tin cùng chuyên mục