Nhiêu khê xử phạt hành vi vứt rác

(SGGP).- Ngày 11-4, Đoàn khảo sát số 3 HĐND TPHCM đã làm việc với Sở Tư pháp và Thanh tra Sở TN-MT về công tác bảo vệ môi trường đô thị, quản lý chất thải, xử phạt hành vi vứt rác theo quy định tại Nghị định 155/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, Thanh tra Sở TN-MT cho biết, sở đã triển khai tập huấn cho 24 quận, huyện việc xử lý hành vi vứt rác bừa bãi, tiểu tiện không đúng nơi… Tuy nhiên, do đội ngũ kiểm tra xử phạt rất “mỏng”, trong khi sai phạm diễn ra rất nhanh, nên rất khó “bắt tận tay”. Ngoài ra, nếu quay phim, chụp hình… làm bằng chứng thì cũng cần có cán bộ thực hiện. Một vấn đề khác, mức xử phạt quá cao và theo quy định lại không được nộp phạt tại chỗ; sau khi lập biên bản xong, cán bộ phải trình chủ tịch phường ký quyết định, rồi mới để người bị phạt đến nộp phạt, làm cho việc xử phạt trở nên phức tạp.

Thực hiện nếp sống văn minh,
hãy bỏ rác vào thùng



Theo Sở Tư pháp TPHCM, việc xử phạt đối với một số hành vi đổ rác bừa bãi còn lúng túng là do nội dung quy định chưa rõ. Cụ thể, khoản 9 Điều 20 có quy định đối với hành vi chôn, lấp, đổ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường… sẽ bị phạt tiền, nhưng theo Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu thì bên cạnh chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, còn có chất thải đặc thù từ hoạt động y tế, xây dựng và nông nghiệp. Do đó quy định chưa đầy đủ đối với tất cả các loại chất thải. Hay Nghị định 155 đã bãi bỏ các biện pháp cưỡng chế buộc di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 64 Nghị định 179/2013 trước đây. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, gây bức xúc cho người dân...

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục