Nhiều nơi chưa “khoác áo mới” đón tết

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần, tại TPHCM, nhiều quận huyện đã “khoác áo mới”, làm đẹp cho phố phường, tuy nhiên vẫn có không ít địa phương bỏ lơ công tác lập lại trật tự đô thị, lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan. Thực tế trên không chỉ gây phản cảm, giảm mỹ quan, mất đi nét đẹp của thành phố trong những ngày giáp tết, mặt khác còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.

Đường thành chợ

Nằm ở trung tâm TPHCM, 3 tuyến đường Hùng Vương, Tản Đà và Mạc Thiên Tích (phường 11, quận 5) luôn trong tình trạng nhếch nhác, ngay cả những ngày giáp tết. Ghi nhận của chúng tôi vào trưa 31-1, vỉa hè đường Mạc Thiên Tích không còn một khoảng trống dành cho người đi bộ, thay vào đó là bàn ghế, nồi chảo, hàng tạp hóa… của các quán ăn, cửa hàng kinh doanh dọc hai bên đường bày ra để chật kín.

Bên dưới lòng đường, hàng chục xe hàng rong bán hạt dẻ, bánh mì, mía đậu nối đuôi khiến xe cộ, người đi bộ qua lại rất khó khăn. Chưa hết, chủ các quán cơm, hủ tiếu bên đường liên tục đổ nước thải (canh, súp, nước lèo dư thừa) xuống mặt đường, hố ga làm mùi hôi bốc lên nồng nặc, không khí bị ô nhiễm.

Tiếp giáp với đường Mạc Thiên Tích, đường Tản Đà (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Trãi) cũng thường xuyên trong tình trạng tương tự. Ông Lê Tấn Cường, chạy xe ôm ở góc đường Hùng Vương - Tản Đà, chia sẻ: “Sáng cũng như chiều, xe đẩy, hàng rong đậu san sát dưới lòng đường Hùng Vương (đoạn trước Bệnh viện Đại học Y Dược), có hôm có cả chục xe khiến giao thông ùn ứ kéo dài. Đáng lo ngại nhất là khi xe đẩy tràn xuống đường, cản trở lưu thông, các xe máy buộc phải chạy sang làn ô tô, rất nguy hiểm. Tôi từng chứng kiến nhiều vụ va quẹt, tai nạn xảy ra tại đây vì lý do trên”.

Tại một số tuyến đường khác như: Thành Thái nối dài, Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Nguyễn Thị Thập (quận 7), Nguyễn Trãi (quận 5), Tùng Thiện Vương, Âu Dương Lân (quận 8)… cũng trong tình trạng “ngộp thở” bởi hàng rong, xe đẩy, bàn ghế của các quán ăn, dù tết đã cận kề.

Nội thành là vậy, ở các quận ven, huyện ngoại thành, mỹ quan đô thị của nhiều tuyến đường cũng nhếc nhách không kém. Đường số 7, quận Bình Tân (đoạn bên hông Công ty Pouyuen) vốn là điểm nóng về trật tự lòng lề đường, những ngày này còn… “nóng” hơn. Sáng sớm và chiều tối, nhiều đoạn của tuyến đường biến thành chợ tự phát với hàng chục “shop” di động, xe đẩy bán quần áo, rau quả, giày dép, đồ trang sức, phụ kiện điện thoại...

Nhiều nơi chưa “khoác áo mới” đón tết ảnh 1 Cửa hàng Điện máy Hồng Lợi Nam (phường 2 quận 6, TPHCM) bày tiệc tất niên, sân khấu ca nhạc tràn lề đường, gây ồn ào và ùn ứ giao thông tại đường Phạm Đình Hổ tối 31-1
Kẻ bán, người mua tràn xuống đường khiến giao thông trong khu vực rất lộn xộn. Tại huyện Bình Chánh, những ngày này, đoạn đường trước chợ Hưng Long trở thành “cung đường ám ảnh” của người lưu thông. Thủ phạm gây ùn tắc, kẹt xe, va quẹt tai nạn giao thông, thậm chí dẫn đến ẩu đả chính là các quầy hàng thực phẩm, trái cây, quần áo tràn xuống đường.

Cần thời gian, lộ trình để xử lý triệt để

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP trước thực tế nhiều tuyến đường nhếch nhác, hiện vẫn chưa được “khoác áo mới” để đón tết, lãnh đạo nhiều quận - huyện thừa nhận đó là tồn tại, địa phương nắm rõ và đã, đang nỗ lực để giải quyết, xử lý các vi phạm, tiến tới xóa sổ các điểm nóng trật tự lòng lề đường, lập lại trật tự trong năm 2019.

Ông Đặng Hoàng Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, cho biết trong năm 2018, quận 10 đặc biệt chú trọng đến công tác lập lại trật tự đô thị. Kết quả có 31 tuyến đường chuyển biến tốt (chiếm 63%) và 18 tuyến đường có chuyển biến (chiếm 37%). Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp do người dân có nhiều cách đối phó, tái lấn chiếm khi lực lượng chức năng kết thúc đợt kiểm tra; công tác xử lý vi phạm về trật tự lòng lề đường có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Để trật tự đô thị tại quận 10 chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới, nhất là thời điểm cận tết, Đội Quản lý trật tự đô thị quận đã thông tin đến UBND 15 phường về 304 địa điểm thường xuyên tái lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn quận. Phòng Quản lý đô thị giao UBND các phường theo dõi, phối hợp Đội Quản lý trật tự đô thị xử lý với hình thức tăng nặng nếu tái phạm. Đối với tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sau 19 giờ xảy ra trong thời gian gần đây, Phòng Quản lý đô thị quận 10 chỉ đạo Đội Quản lý trật tự đô thị kiểm tra thường xuyên, tăng cường công tác ghi lại hình ảnh vi phạm.

“Việc kiểm tra xử lý của Đội Quản lý trật tự đô thị thực hiện liên tục cho đến những ngày Tết Nguyên đán, cũng như kéo dài đến sau tết nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè”, ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Kiên Giang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân, năm 2018, bằng sự nỗ lực của các đơn vị liên quan, trật tự đô thị tại 5 tuyến đường “nóng” (Vành Đai Trong, Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, Tên Lửa, Võ Văn Kiệt) ở quận Bình Tân đã chuyển biến tốt. Tuy nhiên, vẫn còn 3 tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cụ thể: đường Lê Văn Quới, khu vực quanh Công ty Pouyuen và đường Bình Trị Đông. Việc xử lý, giải quyết các điểm nóng lấn chiếm lòng lề đường gặp nhiều khó khăn một phần do lực lượng, nhân viên trật tự đô thị nghỉ việc, luân chuyển nhiều, phần khác do người dân sử dụng nhiều chiêu thức để đối phó.

“Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả quận, năm 2019, quận Bình Tân sẽ giải quyết bằng được các điểm nóng trên. Chúng tôi cũng đưa ra lộ trình cụ thể, trước mắt sẽ tuyên truyền, tác động ý thức của người dân. Nếu chậm chuyển biến, chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm, phạt ở mức cao, thu giữ tang vật - phương tiện, bố trí lực lượng chốt trực 24/24 giờ để xóa sổ các điểm nóng”, ông Giang khẳng định.

Còn ông Võ Thanh Sơn, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Bình Chánh, cho biết huyện đang huy động tổng lực xử lý các hành vi lấn chiếm lòng lề đường tại 3 điểm nóng: ngã 5 Vĩnh Lộc, chợ cá Phong Phú, quốc lộ 1A.

Tin cùng chuyên mục