Bên cạnh các ý kiến thắc mắc về thời gian tổ chức, nội dung hoạt động, thì nhiều vấn đề về giao thông, an ninh trật tự và đặc biệt là tình trạng “chặt chém” mà Vũng Tàu vốn đã mang tiếng từ nhiều năm nay… đang được du khách hết sức quan tâm.
Cập rập công tác chuẩn bị
Theo Sở Du lịch tỉnh, Festival biển BR-VT là một sự kiện chính trị của tỉnh chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh 2-9 nhằm tuyên truyền, quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch, các ngành kinh tế biển, từ đó thu hút đầu tư, tăng tính liên kết vùng miền của BR-VT với các tỉnh thành trong khu vực và trong cả nước.
Một sự kiện lớn như vậy nhưng tới 17-8, UBND tỉnh mới chính thức ban hành kế hoạch tổ chức sự kiện. Theo đó, festival sẽ được tổ chức tại TP Vũng Tàu từ ngày 28-8 đến 3-9 với 17 hoạt động như: Triển lãm về du lịch, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức hội chợ; biểu diễn diều nghệ thuật; lễ hội bia… Kinh phí dự kiến là 20 tỷ đồng được vận động hỗ trợ, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham dự. Theo ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh thì toàn bộ kinh phí hoạt động sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nếu có phát sinh thêm sẽ kêu gọi hỗ trợ chứ không sử dụng ngân sách. Festival biển lần này, đơn vị chủ nhà dự kiến mời hơn 30 tỉnh thành, đơn vị trong cả nước và tính đến ngày 22-8 mới có 14 tỉnh, thành trả lời chính thức tham dự.
Do thời gian quá cập rập nên các đơn vị tỏ ra bị động trong phối hợp tổ chức kế hoạch. Ngay trong ngày đầu dựng khung sắt để tổ chức hội chợ với hơn 840 gian hàng trưng bày tại đường Nguyễn An Ninh, đơn vị thi công đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân vì họ không được thông báo trước gây ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh buôn bán và sinh hoạt hàng ngày.
Nỗi lo “chặt chém”
Tại buổi họp báo sáng 22-8, ông Hoàng Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Hội Du lịch tỉnh, tỏ ra lo lắng bởi thời gian diễn ra festival vào cuối mùa mưa, thời điểm TP Vũng Tàu thường mưa nhiều nên sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng tới các chương trình. Cùng quan điểm với Hội Du lịch, lãnh đạo nhiều sở, ngành và địa phương cũng băn khoăn khi tổ chức festival vào thời gian này.
Các đơn vị truyền thông thì đặt ra nhiều vấn đề về giao thông và nhất là công tác kiểm soát nạn “chặt chém” giá phòng, ăn uống, lo móc túi, cướp giật, công tác vệ sinh môi trường… bởi festival năm nay được tổ chức vào dịp lễ 2-9 nên dễ dẫn đến quả tải về phòng ốc, dịch vụ, làm cho nạn “chặt chém” có điều kiện hoành hành. Trong dịp lễ 2-9 năm ngoái, dù không có festival, BR-VT đã đón hơn 240.000 lượt du khách, TP Vũng Tàu cháy phòng nghỉ, giá phòng cao ngất ngưởng.
Đây không phải là lần đầu tiên BR-VT tổ chức festival biển. Cách đây hơn 12 năm, tỉnh cũng đã tổ chức festival biển khá rầm rộ với kinh phí từ nguồn ngân sách. Khi đó, một số khách mời của tỉnh tỏ ra thất vọng khi phải thuê dịch vụ với giá “cắt cổ” và tình trạng người bán hàng rong chèo kéo du khách, bãi biển đầy rác, giữ xe vượt giá quy định đã lấy đi hình ảnh của thành phố du lịch thân thiện mến khách.
Trở lại festival biển năm nay, trước ngày khai mạc, khảo sát giá phòng tại khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu), nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động của festival, giá phòng của khách sạn 2 sao trong ngày nghỉ lễ dao động 1,9 - 3,6 triệu đồng/đêm và nếu cứ thêm 1 người thì cộng thêm 400 ngàn đồng. Còn với một số khách sạn nhỏ lẻ thì sử dụng “chiêu” cũ là ghim phòng “mài dao”, chờ đến ngày lễ căn cứ vào lượng khách để hét giá.
Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, thời gian chuẩn bị cho festival biển năm nay khá gấp rút, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương phối hợp tổ chức bảo đảm an toàn cho du khách, đặc biệt là công tác giá cả dịch vụ, chống “chặt chém” và công tác vệ sinh môi trường. Đơn vị tổ chức cũng đã lên phương án ứng phó khi trời mưa.