Nhiều nước ở Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo chỉ tăng trưởng kinh tế ở mức 2,5%

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8,5%, nhưng dự báo tăng trưởng cho các quốc gia khác trong khu vực chỉ ở mức 2,5%, thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo kỳ tháng 4-2021.
Ngân hàng Thế giới vừa hạ thấp dự báo tăng trưởng cho hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương
Ngân hàng Thế giới vừa hạ thấp dự báo tăng trưởng cho hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Hôm nay 28-9, Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ mùa thu năm 2021. Theo đó, dự báo tăng trưởng đang bị hạ thấp cho hầu hết các quốc gia trong khu vực. 

Báo cáo nêu rõ, quá trình phục hồi của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của biến chủng Delta, khiến cho những khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình bị kéo dài, có khả năng làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng gia tăng. Tỷ lệ có việc làm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đều giảm và có đến 24 triệu người không có khả năng thoát nghèo trong năm 2021.

“Quá trình phục hồi kinh tế ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang bị đảo ngược", bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bình luận. “Mặc dù khu vực đã kiềm chế Covid-19 thành công trong năm 2020 trong khi các khu vực khác trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng số ca mắc Covid-19 tăng vọt trong năm nay làm giảm viễn cảnh tăng trưởng cho năm 2021. Tuy nhiên, trong những lần khủng hoảng trước đó, khu vực đã trở lại mạnh mẽ hơn và lần này cũng có thể được như vậy nếu có những chính sách đúng đắn”.

Báo cáo ước tính hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines, có thể bao phủ vaccine cho trên 60% dân số vào nửa đầu năm 2022. Mặc dù không thể loại bỏ được lây nhiễm, nhưng biện pháp này có thể giảm tử vong đáng kể, tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế được khôi phục.

Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị, các nước trong khu vực vẫn cần nỗ lực nghiêm túc trên bốn lĩnh vực để xử lý Covid-19 trong trung hạn: giải quyết tâm lý ngại tiêm vaccine và những hạn chế về năng lực phân phối để ngăn ngừa tỷ lệ bao phủ vaccine bị đi ngang; chú trọng xét nghiệm, truy vết và cách ly để kiểm soát lây nhiễm; đẩy mạnh sản xuất vaccine trong khu vực để giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu; tăng cường hệ thống y tế nhằm xử lý tình trạng dịch bệnh kéo dài. Hỗ trợ quốc tế là cần thiết để bổ trợ cho những nỗ lực trong nước ở các lĩnh vực trên, đặc biệt là  những quốc gia còn hạn chế về năng lực.

Tin cùng chuyên mục