Nhiều tỉnh thành đang khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

Đợt mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua đã khiến tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề. Hiện chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang,… cùng nhân dân đang nỗ lực để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Lực lượng vũ trang giúp dân bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn) dựng lại nhà cửa

Theo thống kê, có 7 người chết, trong đó huyện Mường Lát 3 người, huyện Quan Sơn 4 người; huyện Quan Sơn có 8 người mất tích, 5 người bị thương. Có 81 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 313 nhà bị thiệt hại một phần, 27 hộ phải di dời khẩn cấp, 1.283 nhà bị ngập...

Ngoài ra, có 30 điểm trường bị hư hỏng, ảnh hưởng; 2 trạm y tế bị ngập, hư hỏng; 2 nhà văn hóa thôn bản bị sập, 8 nhà văn hóa bị hư hỏng,… Mưa lũ cũng đã khiến hơn 213 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 160 con gia súc và gần 2.100 con gia cầm bị cuốn trôi… Tổng thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 505 tỷ đồng.

Ngày 7-8, chiếc cầu phao bắc qua sông Luồng vào bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã được hoàn thành. Cầu được dựng nên bởi sự hiệp đồng của Lữ đoàn 414 Công binh thuộc Quân Khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Đây là dạng cầu phao nhẹ VSN 1500 với chiều dài 34m, rộng 3m, được lắp nổi trên 12 xuồng VS và 12 xuồng V. Việc cầu phao được hoàn thành đã tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Sa Ná, đồng thời đưa thêm lực lượng, phương tiện vào giúp đồng bào dựng lại nhà cửa, đặc biệt là tìm kiếm 8 người còn mất tích.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, công tác khắc phục hậu quả lũ quét ở bản Sa Ná đang được diễn ra khẩn trương với sự vào cuộc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương. Mặc dù vậy, hậu quả do trận lũ quét để lại là quá nặng nề nên việc giúp dân ổn định cuộc sống sẽ mất một thời gian dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Nhiều tỉnh thành đang khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra ảnh 2 Các đoàn viên thanh niên đưa lương thực, nhu yếu phẩm vào bản Sa Ná

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt. Ngay khi đang xảy ra mưa lũ, tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 519 thùng nước uống; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, 1 tấn lương khô, 1.345 thùng mì tôm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 5 tấn gạo... Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã và đang đến hỗ trợ, trao quà cho đồng bào vùng lũ thuộc huyện Mường Lát và Quan Sơn.

Hiện hơn 700 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thanh Hóa đang trực tiếp tham gia tìm kiếm người mất tích, giúp dân dựng lại nhà cửa, trường học,… Đặc biệt, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn). Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở trên quốc lộ 16C – tuyến đường huyết mạch lên Mường Mát. Đoạn đường qua bản Pá Hộc (xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát) bị đứt gãy hoàn toàn, các lực lượng phấn đấu dự kiến sẽ tạm thông xe ngày 8-8.

* Cũng liên quan đến tình hình mưa lũ, tại tỉnh Đắk Lắk đang diễn biến phức tạp và hiện đã có một người thiệt mạng do nước cuốn.
Nhiều tỉnh thành đang khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra ảnh 3 Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk
Sáng 8-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những giờ tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa dự báo đạt 40-60mm, khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt cục bộ tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar và các vùng lân cận.
Tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã có 1 người thiệt mạng do bị nước cuốn trôi. Theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, vào trưa 7-8, trong lúc trời mưa lớn, ông Hoàng Trung Tùng (60 tuổi, trú tại thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp) đi qua suối thì không may bị trượt chân xuống suối và bị nước cuốn trôi. Đến 15 giờ cùng ngày thi thể ông Tùng mới được cơ quan chức năng tìm thấy cách vị trí bị cuốn trôi khoảng 3km.
Ông Đức cho biết, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho mực nước tăng cao, dẫn đến hơn 1.000ha hoa màu, cà phê, tiêu… của người dân trên địa bàn xã bị ngập úng. Bên cạnh đó, có khoảng 10ha ao hồ bị ngập tràn, hầu hết cá trong các diện tích ao này theo dòng nước trôi đi. Ngoài ra, một số nhà dân trên địa bàn cũng bị ngập cục bộ.
Nhiều tỉnh thành đang khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra ảnh 4
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 6 đến ngày 8-8 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to gây thiệt hại nặng. Ngoài 1 người tử vong, mưa lũ đã khiến 614 ngôi nhà ở huyện Ea Súp bị ngập, hơn 6.000ha cây trồng các loại bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi. Hàng ngàn hộ dân bị cô lập do tuyến giao thông chính bị chia cắt.
Ngoài ra, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, huy động 555 lượt chiến sĩ đến các địa bàn huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, TP Buôn Ma Thuột để kịp thời ứng cứu, giúp người dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo cử lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn.
* Ngày 8-8, UBND huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện tiếp tục có mưa diện rộng và các ngành chức năng khẩn trương thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng ngập cục bộ sớm ổn định cuộc sống…
Theo thống kê, trong đợt mưa bão dữ dội những ngày qua, nhất là từ ngày 2 đến ngày 5-8 lượng mưa tại Phú Quốc đến 501,2 mm, đây là lượng mưa kỷ lục trên địa bàn huyện trong thời gian ngắn. Mưa lớn đã làm ngập 34 km đường ở thị trấn Dương Đông, xã Cửa Dương… với độ sâu trung bình 0,6 m, có nơi ngập tới 1,5 m. Gần 3.874 căn nhà bị ngập trong nước, 14 căn bị sập và tốc mái, rất nhiều tài sản, vật dụng của người dân bị hư hỏng do ngập nước… Tổng thiệt hại tài sản do ngập ở Phú Quốc lên đến hơn 68 tỷ đồng. UBND huyện đã huy động hơn 640 người và các phương tiện tham gia cứu hộ, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn…
Nhiều tỉnh thành đang khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra ảnh 5 Có hơn 3.870 căn nhà ở đảo Phú Quốc bị ngập do mưa lớn trong những ngày qua 
Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, thế nhưng tốc độ đô thị hóa gần đây diễn ra quá nhanh đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm; đặc biệt là tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông, suối thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng việc thoát nước từ các đồi dốc đổ ra biển, gây ngập lụt tại các khu dân cư sinh sống ven sông, ven suối do thoát nước không kịp.
Nhiều tỉnh thành đang khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra ảnh 6 Có khoảng 34 km đường ở Phú Quốc bị ngập trong những ngày qua
Trước thực trạng trên, UBND huyện Phú Quốc cho biết tới đây sẽ tập trung xử lý các khu vực sông, suối bị lấn chiếm; trong đó có các điểm nóng như rạch Ông Trì, rạch Somaco… Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang cho khảo sát quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước… cho toàn đảo Phú Quốc.
Nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông phù hợp với tốc độ phát triển của huyện Phú Quốc hiện nay; xây dựng kè chống lấn chiếm ở rạch Ông Trì, rạch Somaco, sông Dương Đông… Bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư hồ điều tiết nước cho khu vực thị trấn Dương Đông. Tăng cường vận động người dân nâng cao ý thức về vấn đề thoát nước đô thị; không vứt rác và xây dựng lấn chiếm sông, suối trên đảo Phú Quốc… 

Tin cùng chuyên mục