Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm

Nhiều văn bản, có khả thi?

Nhiều văn bản, có khả thi?

Chưa bao giờ trong cùng một thời gian ngắn, Bộ Y tế lại ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đến như vậy. Thế nhưng, rất nhiều quy định bị dư luận cho là không khả thi.

  • Quản lý được từ A đến Z?

Nhiều văn bản, có khả thi? ảnh 1

Mặc dù nhà nước ban hành rất nhiều quy định nhưng trên thực tế việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không khả thi.

Trở lại với Quyết định số 41 ngày 8-12-2005 của Bộ Y tế về ban hành “Quy định điều kiện VSATTP đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống”.

Quyết định này đã quy định rất tỉ mỉ điều kiện vệ sinh của từng cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống, từ cửa hàng ăn, quán ăn, căng tin, nhà ăn và bếp ăn tập thể đến nhà hàng, cơ sở ăn uống ở khách sạn, thậm chí đến cả cửa hàng dưa cà, tương, mắm, gia vị, dầu ăn…

Nếu căn cứ vào quyết định này, người tiêu dùng sẽ rất yên tâm, vì xem ra Bộ Y tế đã quản lý chặt chẽ, đồng bộ tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, bộ cũng đã quy định tất cả người bán thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần.

Tuy nhiên, khi các nội dung ở Quyết định 41 chưa có dấu hiệu đi vào cuộc sống thì ngày 9-3-2006, Bộ Y tế lại ban hành Quyết định số 11 “Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao”.

Quyết định này gây được sự chú ý của dư luận với yêu cầu, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc 10 nhóm có nguy cơ cao (thịt, sữa, trứng, rau củ quả, kem nước đá, thủy sản, thức ăn đồ uống chế biến để ăn ngay…) chỉ được hoạt động khi có giấy phép. Người bán hàng rong cũng phải có giấy phép hành nghề, do UBND xã phường cấp.

  • Lúng túng trong quản lý

Ngay khi quy định này đưa ra, rất nhiều ý kiến đã không đồng tình: quy định không khả thi. ít nhất vì 2 lý do: quản lý người bán hàng rong rất khó; hoặc kể cả khi họ có giấy phép thì vẫn bán hàng không đạt VSATTP. Vậy các cơ quan chức năng lấy đâu ra người mà kiểm soát đội ngũ bán hàng rong hùng hậu ở từng đường phố, ngõ, xóm?

Mang nghi ngờ này đặt lên bàn ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục ATVSTP, ông tuyên bố: “Người kinh doanh thực phẩm phải có giấy phép, không thì gây ngộ độc hàng loạt”.

Ông Đáng cũng tin tưởng, từ nay, nhà quản lý đã có “công cụ” để quản lý VSATTP, đó là cứ túm lấy giấy phép mà xử lý, ai không có giấy phép thì phải chuyển nghề. Tuy nói vậy, nhưng chính bản thân ông Cục trưởng cũng thừa nhận: quản lý người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có hàng rong bằng giấy phép không phải là biện pháp khả thi 100%, nhưng trong điều kiện hiện nay, đó là biện pháp tốt nhất (!?).

Quả bóng đã được ông Cục trưởng “chuyền” về chân các UBND xã phường khi ông cho rằng, cấp phép cho người bán hàng rong là rất khó, nhưng nếu UBND các xã phường quyết tâm thì sẽ thành công. Ai dám chắc, để có được giấy phép hành nghề, hàng trăm người bán thực phẩm sẽ không bị UBND xã phường làm khó, mà có giấy phép rồi, người tiêu dùng liệu có được ăn thực phẩm bảo đảm ATVSTP? Ai là người đứng ra kiểm tra sức khỏe cho người bán hàng để bảo đảm không có bệnh truyền nhiễm?

QUANG PHƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục