(SGGPO).- Theo thông tin tại buổi tọa đàm do Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức ngày 26-8 tại Hà Nội, hiện nay cả nước chỉ có chưa tới 70 trung tâm tư vấn pháp luật với 350 tư vấn viên pháp luật và khoảng 550 cộng tác viên. Nhiều tỉnh thành, đặc biệt các địa phương vùng cao, miền núi, vùng xa không có trung tâm tư vấn hoặc có, nhưng không đủ người theo quy định.
TS. Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết, tỷ lệ án hình sự có người bào chữa ở nước ta hiện chỉ khoảng 20% (gồm cả luật sư tham gia theo chỉ định), 80% các vụ án hình sự còn lại bị cáo không có người bào chữa. Nhiều địa phương ở nước ta không có đủ số lượng luật sư để đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý cho người dân. Nước ta mới đạt tỷ lệ trung bình là 1 luật sư/14.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, Singapore là 1/1.000, Pháp là 1/1.000…
Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu mở rộng phạm vi những người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cả về phương diện pháp lý lẫn thực tiễn. Trong tương lai cần nghiên cứu để mở rộng phạm vi của những người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa so với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, để đảm bảo quyền được bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
ANH PHƯƠNG