Nhiều vướng mắc, ngại thanh tra, khách hàng không muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất

Chưa có hướng dẫn, tiêu chí đánh giá về khả năng trả nợ, khả năng phục hồi của khách hàng; khó hỗ trợ lãi suất (HTLS) với khách hàng kinh doanh đa ngành; hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh; ngân hàng, khách hàng thận trọng kiểm tra, kiểm toán hậu HTLS…

Đó là những khó khăn, cản trở được nhiều ngân hàng thương mại đưa ra tại hội nghị phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình HTLS 2% từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 26-8.

Đây là những nguyên nhân chính khiến việc HTLS đang triển khai rất chậm và có tình trạng khách hàng không muốn vay vốn vì ngại thanh tra, kiểm toán hậu HTLS khiến họ mất nhiều thời gian.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank
Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được HTLS đạt gần 4.400 tỷ đồng, đối với gần 550 khách hàng, số tiền dự kiến HTLS cho khách hàng đến cuối tháng 8 khoảng 13,5 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, tính đến 22-8, ngân hàng có doanh số cho vay 1.900 tỷ đồng, HTLS 1,5 tỷ đồng. Điểm vướng là nhiều khách hàng cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thiếu hồ sơ chứng từ liên quan đến mục đích sử dụng vốn vay; một số hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự khác biệt với quy định và cần có hướng dẫn rõ ngành nghề nào được hỗ trợ… Do đó, khách hàng đủ điều kiện HTLS còn hạn chế.

Nêu khó khăn trong thực hiện, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho biết, đó là khách hàng hoạt động đa lĩnh vực khiến ngân hàng khó bóc tách ngành nghề hỗ trợ; hồ sơ về mục đích sử dụng vốn vay… Đặc biệt là quy định khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Trong khi đó, Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN không có hướng dẫn cụ thể nên mỗi ngân hàng áp dụng một hệ quy chiếu khác nhau.

Ông Trung lo ngại, khi tiêu chí không thống nhất thì cơ quan có trách nhiệm khi vào thanh tra, kiểm tra lại cho rằng không đúng. “Có những khách hàng, khi ngân hàng mời tham gia chương trình thì họ từ chối vì lo hậu HTLS, khi cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm việc sẽ khiến doanh nghiệp mất thời gian”, ông Trung nói và cho biết thêm, ngân hàng sẽ động viên khách hàng tham gia nhiều hơn.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, băn khoăn, quy định tiêu chí về khách hàng có khả năng phục hồi khó đánh giá vì doanh nghiệp lúc suy giảm, sau phục hồi nhưng phục hồi trong bao lâu thì đáp ứng được quy định? Bên cạnh đó, khách hàng đang có sự cân nhắc, thận trọng khi đề xuất HTLS vì họ đã từng trải qua giai đoạn HTLS năm 2009, hồ sơ thủ tục hoàn thiện cho thanh tra, kiểm toán ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh, hạch toán lợi nhuận của doanh nghiệp. “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ KH-ĐT ban hành tiêu chí về doanh nghiệp có khả năng phục hồi, phạm vi khách hàng được hưởng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh”, ông Cường kiến nghị.

Cho biết mới tiếp nhận được hơn 300 hồ sơ, giải quyết HTLS cho 20 khách hàng với doanh số 4.600 tỷ đồng, HTLS 6,6 tỷ đồng, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV thừa nhận, con số này còn khiêm tốn so với kỳ vọng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Tú, các ngân hàng thương mại xác định đây là khoản chi từ ngân sách nhà nước nên sự thận trọng của các chủ thể tham gia là điều cần thiết. Các bên đều cân bằng lợi ích về công sức, chi phí của việc HTLS này và khách hàng đăng ký HTLS ít hoặc không đăng ký vay. Ngân hàng lo xác định việc trả nợ của doanh nghiệp ở tương lai. Nếu 1-2 năm tới xác định lại, khả năng trả nợ của khách hàng không có, và có thể bị xác định làm sai. Bên cạnh đó, việc đánh giá khả năng phục hồi “cực kỳ khó” do liên quan đến tiêu chí đánh giá.

Ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Tín dụng (Sacombank), thừa nhận, do tiền từ ngân sách nhà nước nên việc triển khai thận trọng, kiểm tra, hỗ trợ phải đúng mục đích, đối tượng và để phục vụ cho kiểm ra, kiểm toán sau này. “Với hộ kinh doanh, đây là đối tượng cần HTLS nhiều nhất nhưng phần lớn lại không có đăng ký kinh doanh, hoạt động ở nông thôn. Do đó, đề xuất xem xét mở rộng, tháo gỡ cho đối tượng này bằng cách chỉ cần có xác nhận hoạt động kinh doanh của địa phương để được HTLS.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong đề nghị Bộ KH-ĐT tháo gỡ vướng mắc thông qua việc phân loại đối tượng là các doanh nghiệp hoạt động đa ngành, hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh do ngân hàng không dám “linh động” vì sau này kiểm tra, ngân hàng bị buộc phải thu hồi lại tiền hỗ trợ, trong khi lại khó thu hồi khoản vay của khách hàng.

Tin cùng chuyên mục