(SGGPO). - Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Dự án Luật hòa giải cơ sở.
Theo tờ trình về Dự án Luật sửa đổi thuế thu nhập cá nhân được Chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kiên trì với mức tăng khởi điểm chịu thuế của người nộp lên 9 triệu đồng, và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng (so với 4 triệu và 1,6 triệu đồng hiện nay).
Chính phủ cho rằng, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân chủ yếu nhằm kiên trì mục tiêu dài hạn đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người nộp thuế, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng. Đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế.
Trước đó, khi được thảo luận tại Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đã cho rằng mức nâng này quá cao, làm ảnh hưởng tới tính chất của luật thuế thu nhập cá nhân - có thu nhập là phải nộp thuế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức nâng nêu trên là hợp lý trên cơ sở mức sống dân cư, lạm phát và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Sau khi cân nhắc, cơ quan soạn thảo tiếp tục giữ mức nâng 9 triệu đồng nêu trên, đồng thời trao quyền cho Chính phủ được chủ động điều chỉnh khi lạm phát biến động quá 20%.
Theo phương án này, người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng một tháng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân, người có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ 16,2 triệu đồng mỗi tháng trở xuống chưa phải nộp thuế, người có thu nhập 20 triệu đồng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế 490 nghìn đồng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế), phần thu nhập của cá nhân sau khi nộp thuế là 19,51 triệu đồng. Tương tự, nếu có 2 người phụ thuộc thì số thuế nộp chỉ 190.000 đồng (bằng 0,95% thu nhập chịu thuế) và phần thu nhập sau khi nộp thuế là 19,81 triệu đồng.
Nếu luật sửa đổi được thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013, thì số người nộp thuế tại thời điểm đó còn khoảng một triệu, giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng. Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra đề án luật tỏ ra e ngại việc quy định sẽ dẫn đến một số hệ quả như ảnh hưởng đến mục tiêu ban đầu của luật, số người phải nộp thuế giảm quá lớn, ảnh hưởng đến ngân sách… Tuy nhiên, với mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh của Chính phủ, các ý kiến tại Ủy ban cũng cơ bản đồng ý với nội dung sửa đổi nêu trên.
Thảo luận về vấn đề này, đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án sửa như tờ trình của Chính phủ. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và rất nhiều đại biểu khác đồng ý tờ trình của Chính phủ vì tốc độ trượt giá mấy năm qua quá cao, cần sửa đổi để khoan sức dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đại biểu không ủng hộ quan điểm sửa đổi mức đóng thuế thu nhập cá nhân. Đại biểu Nguyễn Xuân Thường (Thái Bình) phát biểu không nên sửa thuế thu nhập cá nhân vào lúc này. “Thực ra, chúng ta đang làm việc bảo vệ cho người giàu chứ không bảo vệ cho người nghèo. Ví dụ tôi thu nhập 9 triệu đồng, mỗi tháng đóng 200 ngàn tiền thuế thu nhập cá nhân; nếu không thu thì tôi không phải đóng nữa, nhưng 200 ngàn chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Trong khi đó, nếu giảm mức đóng thuế như Chính phủ trình thì chỉ còn hơn 1 triệu người đóng thuế, như vậy sẽ tác động trở lại với người có thu nhập thấp. Tại sao đang khó khăn, chúng ta không thu thuế thu nhập cá nhân để có nguồn góp cho việc tăng lương. Những ai thu nhập cao thì nên hy sinh một chút, đóng góp cho xã hội. Cho nên, nếu giảm mức đóng thuế thu nhập cá nhân thì chỉ có tác dụng với người có thu nhập cao, chứ không có tác dụng với những người có thu nhập thấp”, đại biểu Trường nói.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) ủng hộ sửa đổi như dự thảo Luật để khoan sức dân, nhưng ông cũng cho rằng, cần xem xét mức khởi điểm chịu thuế. “Nếu không sửa thì không phù hợp với sự biến động giá cả hiện nay. Ủng hộ mức để giảm trừ gia cảnh là 3,6 triệu, nhưng mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu thì cần xem lại để cân đối cho ngân sách, có nguồn để bảo đảm tăng lương. Vẫn cần phải động viên nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng chỉ nên sửa thành mức 7 triệu đồng thay vì 9 triệu”, đại biểu Xuyền đề nghị.
Một số đại biểu Quốc hội cũng nêu quan điểm, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân được ấn định bằng một con số tuyệt đối (ví dụ 9 triệu đồng) là rất bị động. Như thế khi lương tăng thì lại phải thay đổi mức này, tức là chỉ vài ba năm nữa Luật này lại lạc hậu, phải sửa. Nên chăng đưa ra một cách tính khác để không phải thường xuyên thay đổi, ví dụ như quy định mức khởi điểm chịu thuế là bằng mấy lần mức lương tối thiểu chung. Như thế, khi lương tăng thì mức chịu thuế tự động tăng theo mà không cần sửa Luật.
Xung quanh việc sửa thuế thu nhập cá nhân, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần tinh giản bộ máy hành chính, không để bộ máy phình quá to như hiện nay. Bộ máy càng cồng kềnh, số người hưởng lương càng lớn, ngân sách càng phải chi nhiều, trong khi đó một bộ phận không nhỏ người hưởng lương đang làm ít hưởng nhiều…
PHAN THẢO