
Nhắc tới cái tên Vũ Kỳ, có lẽ những ai đã có lần được gặp anh đều nhớ tới một con người có tấm lòng rộng mở với nụ cười tươi cùng giọng nói ấm áp có sức chinh phục bất kỳ đối tượng nào. Bác Hồ chọn anh Vũ Kỳ làm thư ký riêng cho mình từ ngày 28-8-1945 tại nhà 48 Hàng Ngang - Hà Nội cho đến ngày Bác ra đi (2-9-1969).
Làm thư ký cho Bác Hồ, ngoài công việc “tay hòm chìa khóa”, anh Vũ Kỳ còn là một nhà tổ chức, sắp xếp hợp lý những cuộc họp, hoặc những cuộc tiếp xúc riêng của Bác đâu vào đấy. Anh còn là nhà ngoại giao tế nhị, khi đón những đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với Bác Hồ. Đặc biệt, anh Vũ Kỳ còn là người cán bộ “vi hành” rất giỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ trong chuyến đi thăm tỉnh Quảng Ninh ngày 2-2-1965 (đồng chí Vũ Kỳ ngồi hàng đầu, thứ 2 từ phải qua).
Anh thường đóng giả một nông dân, hoặc một cán bộ thường nào đó đi xuống cơ sở tìm hiểu tình hình rồi về báo cáo với Bác Hồ trước khi Bác đến thăm nơi đó, nên những cán bộ lãnh đạo địa phương nhiều khi rất kinh ngạc vì sao Bác Hồ lại biết được cả những chuyện hay, cả những chuyện yếu kém ở địa phương mình và cán bộ mình.
Với đồng lương ít ỏi của Bác, anh Vũ Kỳ chi tiêu dè xẻn, tiết kiệm từng đồng để làm vốn cho Bác đi hỗ trợ người nghèo, người cô đơn, tàn tật. Chính phẩm chất trong sáng của anh mà Bác Hồ coi anh là một người giúp việc tâm đắc nhất, nên rất tin ở anh trong mọi công việc “nội trợ” và “ngoại vụ”.
Biết Bác Hồ là người rất yêu nghệ thuật dân tộc, quý nghệ sĩ dân tộc nên anh Vũ Kỳ thường xuyên tổ chức những buổi diễn ngắn cho Bác xem, hoặc những buổi ăn cơm thân mật giữa Bác và các nghệ sĩ. Hầu hết các nghệ sĩ tên tuổi như Lệ Thi (tuồng và bài chòi), Ái Liên (cải lương), Nguyễn Thị Thâm (chèo), Song Thao (dân ca Nghệ Tĩnh)... đều được Bác Hồ mời ăn cơm và hát cho Bác nghe.
Vũ Kỳ là một kho tư liệu sống về cuộc đời của Bác Hồ. Năm 1990 chúng tôi tổ chức viết tập sách “Bác Hồ với sân khấu”, chính anh Vũ Kỳ là người giúp chúng tôi rất nhiều tư liệu quý. Trong hàng trăm chuyện về Bác Hồ với văn nghệ sĩ mà anh Vũ Kỳ kể, tôi nhớ nhất chuyện “Xin ảnh Bác Hồ”.
Vào tối mùng 6 tháng giêng năm 1960, Bác Hồ giao cho anh Vũ Kỳ tổ chức cho Bác gặp gỡ anh chị em đi dự liên hoan sinh viên thanh niên thế giới tại thủ đô nước áo về. Buổi tiếp tại Phủ Chủ tịch tiếp xong, một số diễn viên xin chụp ảnh chung với Bác. Bác Hồ cười và chỉ vào anh Vũ Kỳ nói:
- Các cô các chú xin chú Kỳ ấy. Bác chỉ chụp thôi, chú Kỳ mới là người quyết định cho hay không cho.
Mấy cô diễn viên nắm tay anh Kỳ lay lay đòi được chụp ảnh. Anh Kỳ nói vừa vui, vừa thật:
- Các cô được chụp ảnh với Bác là vinh dự rồi. Cô nào có thành tích cao báo cáo lên Bác thì tôi gửi ảnh tặng liền.
Mấy cô quay sang mách với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu xin ảnh mà chú Kỳ không cho, còn bắt phải có thành tích xuất sắc mới được thưởng ảnh.
- Chú Kỳ nói đúng đấy? - Bác cười và mọi người cũng cười vui.
Tấm lòng của anh Vũ Kỳ đối với văn nghệ sĩ thật nồng ấm, thiết tha. Tháng 5 năm 1991, tôi chỉ đạo và tổ chức chương trình “Tháng năm nhớ Bác”, tham gia hầu hết những nghệ sĩ đã diễn cho Bác Hồ xem. Tôi đề nghị được họp tại nhà sàn - nơi Bác ở - và nhà gương trong Phủ Chủ tịch - nơi các nghệ sĩ đã diễn cho Bác Hồ xem.
Nhưng cơ quan phụ trách khu Phủ Chủ tịch không đồng ý vì sợ đông người vào chỗ tôn nghiêm không lợi. Tôi liền gọi điện cầu cứu anh Vũ Kỳ. Anh Kỳ gọi tới đồng chí giám đốc khu Phủ Chủ tịch đề nghị cho chúng tôi họp mặt ở đây. Người phụ trách còn hơi lưỡng lự, tôi liền gọi điện sang Cố vấn Phạm Văn Đồng, xin Cố vấn cho ý kiến ủng hộ.
Cố vấn Phạm Văn Đồng liền gọi điện cho văn phòng Phủ Chủ tịch nói rằng: “Anh Vũ Kỳ đã có ý kiến ủng hộ là tốt rồi”... Thế là cuộc họp mặt “Tháng năm nhớ Bác” được tiến hành rất trang nghiêm và ấm cúng. Đồng chí Vũ Kỳ đến từ sớm giới thiệu cho chúng tôi những kỷ niệm về Bác Hồ xem văn công ở đây. Đặc biệt, Cố vấn Phạm Văn Đồng cũng đến dự và nói chuyện rất hay, rất sâu sắc về Bác Hồ với văn nghệ dân tộc.
Nhạc sĩ Trần Hoàn lúc sinh thời có cho chúng tôi biết rằng: bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” là kết quả gợi ý của anh Vũ Kỳ khi hai người cùng nằm chung phòng ở Bệnh viện Việt - Xô (Hà Nội). Anh Kỳ kể chuyện Bác Hồ rất thích nghe hát dân ca, ngay cả trong những giờ phút lâm chung mà Bác còn bảo các cô y tá hát cho Bác nghe những câu dân ca quan họ, dân ca Nghệ Tĩnh... Đó là hạt nhân của một nhạc phẩm được nhiều người yêu thích, nhất là đồng bào miền Nam - những người chưa được gặp Bác.
Cảm ơn anh Vũ Kỳ - người đã làm chiếc cầu nối cho đông đảo cán bộ và nhân dân được gặp Bác Hồ, đặc biệt những người làm văn nghệ dân tộc. Chúng tôi nhờ anh mà được gặp Bác, được biểu diễn phục vụ cho Bác và cũng nhờ anh giúp đỡ một phần mà chúng tôi làm ra những vở diễn, những bộ phim và những quyển sách về Bác Hồ.
Chúng tôi mãi mãi nhớ anh! Xin vĩnh biệt anh!
GS HOÀNG CHUƠNG
Sau một thời gian dài lâm bệnh, ông Vũ Kỳ - người đảng viên 65 tuổi Đảng đã từ trần hồi 4 giờ sáng ngày 16-4-2005, tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 84 tuổi. |