Nhộn nhịp thị trường trước ngày vía Thần tài

Ghi nhận thị trường vàng trong ngày 24-2 cho thấy thị trường này khá nhộn nhịp sau đợt nghỉ tết kéo dài. 
Người dân chọn mua vàng tại một cửa hàng ở TPHCM
Người dân chọn mua vàng tại một cửa hàng ở TPHCM
Theo quan niệm dân gian, mùng 10 tháng Giêng (ngày 25-2) là ngày vía Thần tài, người dân và giới kinh doanh buôn bán thường tranh thủ đi mua vàng vào ngày này để cầu may mắn. 
Nhằm chuẩn bị cho ngày vía Thần tài năm nay, các DN đã chuẩn bị hàng ngàn sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ, nhẫn trơn các loại và sản phẩm vàng hình các linh vật… dành riêng cho ngày này. Nhiều DN cho biết đã tăng 10% - 20% số lượng sản phẩm vàng bán ra thị trường với các dòng chủ lực là nhẫn tròn trơn ép vỉ từ 0,5 - 5 chỉ/sản phẩm, sản phẩm vàng miếng ép vỉ, đồng tiền vàng, sản phẩm vàng mỹ nghệ các loại. Bên cạnh những sản phẩm nhẫn trơn, vàng miếng thì các DN kinh doanh vàng còn chuẩn bị rất nhiều sản phẩm như mặt dây Thần tài, đĩnh vàng, đồng vàng kim tuất, đồng vàng Thần tài, mặt khuyển vàng, vòng lắc hoa với trọng lượng phổ biến từ 0,5 - 2 chỉ… để khách hàng dễ mua. Một vài khách hàng cũng đã mua những sản phẩm vàng may mắn vì ngại chen lấn mua vàng vào đúng ngày vía Thần tài như mọi năm.
Đại diện Công ty PNJ tại TPHCM cho biết, để tránh tình trạng cháy hàng và chen lấn trong ngày vía Thần tài, hệ thống cửa hàng của PNJ sẽ đóng cửa muộn hơn so với ngày thường để phục vụ khách hàng. PNJ cam kết mức giá ổn định theo thị trường để giúp người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm. 
Ghi nhận giá vàng trong ngày cho thấy, vàng miếng SJC được các DN niêm yết giá khá chênh lệch và có xu hướng tăng trên 37 triệu đồng/lượng sau một thời gian dài giá vàng SJC trồi sụt theo đà giảm của giá vàng thế giới. Cụ thể, ghi nhận giá vàng tại Công ty SJC TPHCM vào cuối ngày, giá vàng SJC được niêm yết giảm nhẹ khoảng 60.000 đồng/lượng chiều mua và 20.000 đồng/lượng chiều bán so với hôm trước, rơi khỏi mốc 37 triệu đồng/lượng ở mức 36,8 triệu đồng/lượng mua vào và 36,98 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, tại Hà Nội, cùng thời điểm Tập đoàn Doji bán giá vàng SJC ở mức 36,8 triệu đồng/lượng mua vào và 37,55 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 60.000 đồng chiều mua và tăng 170.000 đồng chiều bán. Khảo sát giá vàng SJC tại một số tiệm vàng tại khu quận 1, Bình Thạnh, TPHCM cho thấy, đa số các tiệm vàng đều thu vào giá dưới 37 triệu đồng/lượng nhưng bán ra với giá trên 37 triệu đồng/lượng. Đại diện một DN kinh doanh vàng lý giải, do nhu cầu mua vàng rất lớn trong ngày vía Thần tài để cầu tài lộc cho cả năm nên các DN trong ngành thường kéo giá nhiều loại vàng tăng nhanh ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thông thường, giá vàng trong ngày trước và ngày vía Thần tài thường chênh nhau từ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng. Trong khi nhiều tuần trước Tết Nguyên đán và đầu năm 2018 giá vàng SJC thường ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn. 
Ngày 24-2, tại một số chợ truyền thống ở TPHCM, không khí buôn bán các mặt hàng phục vụ ngày vía Thần tài diễn ra nhộn nhịp. Nhiều tiểu thương cho biết đang “tăng tốc” phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con, nên theo đó mãi lực cũng tăng mạnh so với ngày bình thường. 
Hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng lần lượt là ngày vía Ngọc hoàng và vía Thần tài nên sức mua tăng cao. Các mặt hàng không thể thiếu trong ngày này gồm hoa tươi (chủ yếu là vạn thọ) các loại, cá lóc nướng, thịt heo quay… Tại một số chợ như Nhật Tảo, Hòa Hưng (quận 10); Hòa Bình (quận 5); Bình Tây (quận 6); Tân Chánh Hiệp (quận 12) số người mua nhang đèn, vàng mã, đồ cúng Thần tài tăng mạnh. Mỗi bộ đồ cúng có giá khoảng vài chục ngàn đồng, có loại lên tới hàng trăm ngàn đồng/bộ. Với các mặt hàng thủy hải sản như cá lóc giá dao động từ 60.000 - 150.000 đồng/kg (tùy loại cá lóc nuôi hay cá lóc đồng), tôm sú từ 350.000 - 450.000 đồng/kg, hoa cúc từ 35.000 - 45.000 đồng/bó… Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương chuyên doanh hải sản trên đường Dương Thị Mười, gần Bệnh viện Quận 12, cho biết sức mua cá lóc nướng trong ngày vía Thần tài tăng 1,5 - 2 lần so với ngày bình thường. Mùa vía Thần tài này, chị Thúy bán ra khoảng 100kg cá lóc, trong khi ngày thường chỉ bán được 40 - 50kg. Thêm nữa, thông tin từ một số lò heo quay trên đường Bà Hạt (quận 10), Âu Cơ (quận Tân Bình), hàng trăm khách đã đặt mua heo quay nguyên con cúng trong ngày mùng 10 tháng Giêng. Do số lượng khách đặt hàng tăng cao nên các chủ lò phải tuyển thêm nhân viên giao hàng, hỗ trợ xẻ thịt heo tại chỗ nếu khách có yêu cầu. 
Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) vào đêm mùng 8 rạng sáng mùng 9 tháng Giêng, hàng dãy xe tải đầy ắp hải sản các loại cập chợ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến của người dân trên địa bàn TPHCM cũng như một số tỉnh lân cận. Phần lớn các tiểu thương chợ truyền thống ở TPHCM hoặc tỉnh Long An đều đổ về chợ này để lựa hàng. 
Trao đổi với chúng tôi, chị Phương Thảo (vựa hải sản Hường Thảo, chợ Bình Điền) chia sẻ, số lượng cá lóc đổ về chợ dịp này tăng 2 - 3 lần ngày thường. Phần lớn cá lóc được vận chuyển từ Trà Vinh, Đồng Nai, tiểu thương đặt hàng trước khoảng 2 ngày. Cá lóc loại lớn bán với giá từ 46.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng khi về các chợ lẻ có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại, vì các tiểu thương phải khấu hao công vận chuyển, xăng dầu các loại cộng thêm công tẩm ướp gia vị, nướng cá… 
Cùng ngày, thông tin từ một số tiểu thương, chủ vựa hải sản ở quận Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình (TPHCM) cho biết, nhu cầu tiêu thụ hải sản, nhất là hải sản kích cỡ “khủng” tăng cao sau tết. Chẳng hạn, tôm mũ ni loại 2 - 3 con/kg có giá 1,4 - 1,8 triệu đồng/kg, tăng từ 300.000 - 500.000 đồng/kg; tôm hùm bông (loại 1 kg/con) có giá từ 2,4 - 2,5 triệu đồng/kg, tăng từ 150.000 - 200.000 đồng/kg; cua gạch loại 1 có giá khoảng 1 triệu đồng/kg, tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/kg…

Tin cùng chuyên mục