Nhức nhối thị trường thực phẩm chức năng

Với hơn 20.000 sản phẩm được công bố, thực phẩm chức năng (TPCN) đang là thị trường sản phẩm liên quan đến sức khỏe hết sức phong phú và bát nháo.
Nhức nhối thị trường thực phẩm chức năng

Với hơn 20.000 sản phẩm được công bố, thực phẩm chức năng (TPCN) đang là thị trường sản phẩm liên quan đến sức khỏe hết sức phong phú và bát nháo.

Sự “nhức nhối” của thị trường TPCN không chỉ là sản xuất thiếu tiêu chuẩn mà còn quảng cáo thổi phồng công dụng, làm giả, làm nhái… Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang định hướng sản xuất TPCN theo quy chuẩn “Thực hành tốt sản xuất - GMP”.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tại TPHCM


Ký xử phạt… mỏi tay!

Bùng nổ trong vòng hơn 10 năm qua, TPCN đã chiếm lĩnh thị trường sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng như công bố! Theo Bệnh viện (BV) Da liễu TPHCM, có không ít trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu do dị ứng với TPCN. Thậm chí, BV Ung bướu TPHCM cho biết đã phải tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân ung thư tới khám ở giai đoạn rất muộn, khi khối u đã lớn và di căn do có tiền sử lạm dụng TPCN. Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, không ít loại TPCN có thành phần, hoạt chất giống như thuốc hoặc có hàm lượng hóa chất nguy hại. Vì thế, nếu như người dân tự ý sử dụng, lạm dụng thì hậu quả rất khôn lường…

Thực tế, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã xử phạt, cấm lưu hành hàng loạt sản phẩm TPCN kém chất lượng hoặc tiêu chuẩn chất lượng không phù hợp với công bố. Cùng với chất lượng, tình trạng quảng cáo TPCN theo kiểu thổi phồng công dụng không còn là mới mẻ. Theo PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng phần lớn quảng cáo lại lập lờ như thuốc, thậm chí coi là thuốc trị bệnh. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết trong năm 2015, cục đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng. Trong đó, 203 công ty vi phạm về quảng cáo, tập trung chủ yếu là quảng cáo TPCN. “Có tháng lên tới 20 - 30 công ty vi phạm. Chúng tôi ký xử phạt mỏi tay. Nhưng kiên quyết xử lý được chừng nào tốt chừng ấy, hạn chế thấp nhất sản phẩm vi phạm ảnh hưởng sức khỏe người dùng”, ông Phong nói.

Không chỉ quảng cáo, kinh doanh đa cấp hay sản xuất thiếu tiêu chuẩn, TPCN cũng bị làm giả, làm nhái khá tinh vi. Điển hình là trong năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã đề nghị truy tố Nguyễn Duy Bảo (Giám đốc Công ty TNHH ĐT-TM-XNK Bảo Khang) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là TPCN”. Vị giám đốc này đã thuê người Trung Quốc làm giả TPCN, đóng gói thành phẩm và đưa đi tiêu thụ.

Không đạt tiêu chuẩn thì… dẹp

Tuy còn nhiều bất cập trong quản lý TPCN và cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành nhưng để đảm bảo chất lượng cho người dùng, Cục An toàn thực phẩm đang định hướng sản xuất TPCN theo tiêu chuẩn GMP. “Không thể để sản xuất TPCN mà cơ sở bị ví như chuồng heo, chuồng vịt mãi được”, TS Nguyễn Thanh Phong bức xúc. Đã được chế tài trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng quy định sản xuất TPCN vẫn còn hạn chế, đó là cơ sở chỉ cần đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là được. Theo ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hồ sơ công bố sản phẩm TPCN còn chung chung, không có một tiêu chí tiêu chuẩn nào và cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Qua thực tế kiểm nghiệm, ông Đà cũng rất lo ngại vì một số loại TPCN chứa chất nguy hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Theo chuyên gia dược học Lê Văn Truyền, lộ trình của Bộ Y tế là các cơ sở sản xuất đông y, đông dược phải có dây chuyền đạt chuẩn GMP-WHO. Do đầu tư nhà máy đạt GMP-WHO rất tốn kém nên không ít cơ sở đông y, đông dược lâu nay chuyển sang sản xuất TPCN… cho khỏe! Bởi lẽ sản xuất TPCN không cần tiêu chuẩn, chất lượng, cũng chẳng cơ quan nào “thèm” kiểm nghiệm, chứng minh lâm sàng, xin số đăng ký… PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng thừa nhận chưa có một quy trình, tiêu chuẩn nào cho TPCN nên cây gì, con gì cũng thành TPCN. “Đến lúc rau muống, rau má cũng làm TPCN thì hết biết”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan ngán ngẩm.

Theo các chuyên gia y tế, luật pháp còn “dễ dãi” với TPCN… PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc mặc định điều kiện sản xuất TPCN như điều kiện sản xuất thực phẩm thường là không ổn. “Trong khi thuốc đông y, đông dược cũng có nguồn gốc dược liệu là chính thì bắt sản xuất theo dây chuyền GMP-WHO, còn TPCN cũng chủ yếu thành phần từ dược liệu thì lại bỏ ngỏ”. Theo TS Nguyễn Thanh Phong, mục tiêu là không thể để cơ sở chỉ đủ sản xuất thực phẩm thường được phép sản xuất TPCN. Vì thế, cục đang ban hành quy chuẩn GMP. Tất nhiên, cũng chưa thể áp dụng ngay mà cần có lộ trình. 

Theo Bộ Y tế, dự kiến tháng 6-2017 sẽ ban hành thông tư về GMP cho TPCN để các cơ sở có lộ trình chuẩn bị. Tài liệu hướng dẫn GMP cho TPCN gồm 10 chương quy định về hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng và thiết bị, hồ sơ tài liệu, sản xuất và kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng, khiếu nại thu hồi… Đặc biệt, tài liệu này nhấn mạnh vệ sinh nhà xưởng và cá nhân là một yêu cầu rất cao của GMP. 

 Theo Cục An toàn thực phẩm, nếu như cách đây khoảng 10 năm, cả nước có chưa đầy 50 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh TPCN thì nay đã có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hàng vạn sản phẩm TPCN đang lưu hành.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục