Quá tải bệnh viện, tăng giá viện phí, nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế, cũng như chất lượng khám chữa bệnh cho người dân là những vấn đề nóng được đặt ra tại cuộc đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với nhân dân, được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7-1.
- Chưa biết bao giờ hết quá tải
Trước tình trạng người bệnh phải vạ vật xếp hàng hàng giờ chờ khám chữa bệnh, mỗi giường bệnh nằm ghép 2-3 người, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện trong cả nước là khá trầm trọng.
Cho dù trong thời gian qua, ngành y tế cũng đã cố gắng thực hiện một số biện pháp giảm tải bệnh viện như: tăng số giường bệnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở thêm bệnh viện tư, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên cho tuyến dưới để tuyến dưới có thể chữa bệnh mà không cần chuyển lên tuyến trên… nhưng tình trạng quá tải bệnh viện vẫn tăng. Bởi lẽ, hiện nay tỷ lệ giường bệnh/vạn dân ở nước ta vẫn còn khiêm tốn: 20,5 giường/vạn dân. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/vạn dân, còn tại Hàn Quốc là 86 giường/vạn dân, Nhật Bản là 140 giường/vạn dân. Ngoài ra, mô hình bệnh tật cũng thay đổi khiến số người mắc các bệnh không lây nhiễm, mãn tính gia tăng.
Đồng thời, do thu nhập tăng, kéo theo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cũng tăng lên dẫn tới việc nhiều người bệnh muốn vượt lên tuyến trên nhiều hơn. Điều đó, tạo sự quá tải lớn, nhiều khi không cần thiết, có khi có sự quá tải ảo vì qua nghiên cứu có tới 60% bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể điều trị ở tuyến dưới.
Trước thực trạng quá tải bệnh viện ngày càng trầm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang soạn thảo đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ trong thời gian tới, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính như: tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện; củng cố, tăng cường y tế địa phương và cơ sở; đổi mới cơ chế tài chính, để thu đủ bù chi; tiến hành phân tuyến và đổi mới cách phân tuyến, tùy theo năng lực của đơn vị, cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để phân tuyến chữa bệnh. Đồng thời tăng cường mạng lưới bác sĩ gia đình và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành y…
Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn thừa nhận: Mặc dù Bộ Y tế rất quyết tâm để giảm tải bệnh viện càng sớm càng tốt, nhưng việc giảm tải bệnh viện để thực hiện được thành công cần sự đồng thuận của các bộ, ngành khác cũng như sự đồng thuận của nhân dân.
Tăng viện phí và câu chuyện “phong bì”
Liên quan tới vấn đề tăng giá viện phí và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, căn cứ để điều chỉnh chi phí khám bệnh là tình hình trượt giá và mức lương cơ bản. Mức lương cơ bản 830.000 đồng/tháng cũng đã tăng 6,9 lần so với khi bắt đầu áp dụng mức viện phí cũ vào năm 1995. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng từ 500 USD lúc đó lên trên 1.000 USD hiện nay. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá giường bệnh, hiện nay tại các chuyên khoa cao cấp là 20.000 đồng/ngày, còn thông thường khoảng 10.000-18.000 đồng.
“Mức thu này không thể nào đáp ứng được chi phí khám chữa bệnh. Có những bệnh viện đến nay bệnh nhân vẫn nằm chiếu và chăn chiên...” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giãi bày. Do đó, sau khi điều chỉnh, các giường nội khoa (trước đây là 1.500 - 10.000 đồng) dự kiến sẽ tăng lên 20.000 - 80.000 đồng, tùy điều kiện trang bị. Đáng chú ý, việc tăng giá giường bệnh điều trị tới đây cũng sẽ có những thay đổi, quy định cụ thể hơn. Nếu như trước đây, bệnh viện không quy định giá giường nằm đôi, nằm ba... nhưng với quy định mới, giá sẽ giảm xuống còn 50% với nằm đôi, còn 30% nếu nằm ba. Hơn nữa, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa ra vấn đề hạn chế nằm ghép vào tiêu chí thi đua của các bệnh viện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Trước những lo ngại về việc tăng viện phí ảnh hưởng mạnh mẽ tới người nghèo, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Ngay cả việc quy định người người bệnh có thẻ BHYT phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh, thì tới đây, phần chi trả 5% nhà nước sẽ chi trả luôn trong trường hợp đó là những bệnh hiểm nghèo chạy thận nhân tạo, mổ tim... Còn thuộc hộ cận nghèo, Bộ Y tế đã trình Chính phủ, Quốc hội, trong năm tới hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ BHYT. Còn nông dân, dân diêm, học sinh nghèo được hỗ trợ 30%-50% chi phí tham gia BHYT.
Cũng tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ngành y tế chưa bao giờ có cuộc vận động “nói không với phong bì”. Bởi theo Bộ trưởng Bộ Y tế thì phong bì mang nhiều nghĩa, ví dụ trong cuộc sống chúng ta đi đám cưới, đám hiếu cũng là phong bì. Người bệnh sau khi khỏi bệnh biếu quà bánh, phong bì và thậm chí là tạ ơn rất lớn. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, phong bì hiện nay chủ yếu là sự cảm ơn của người bệnh đối với các cán bộ y tế làm việc vất vả. Bộ Y tế cũng đã điều tra cho thấy, việc người bệnh đưa phong bì cho cán bộ y tế chủ yếu là do quá tải bệnh viện nên dẫn tới tâm lý muốn khám nhanh, không phải chờ đợi nên đã đưa phong bì cho bác sĩ. Còn việc gợi ý để người bệnh đưa phong bì, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây chỉ là cá biệt hiếm hoi, gần như không có bác sĩ nào đòi hỏi, gợi ý phong bì! |
KHÁNH QUỐC