Những câu chuyện từ văn chương châu Âu

Sáng 12-5, tại Đường sách TPHCM, cuốn sách Cách mạng (Revolution) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được giới thiệu. 
Cuốn sách từng nằm trong danh sách tác phẩm bán chạy nhất Pháp khi ra mắt lần đầu năm 2016 và là cuốn duy nhất của một chính trị gia tranh cử được sự chú ý như vậy của bạn đọc. Đây cũng được xem là sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động của Ngày hội sách châu Âu 2018 tại TPHCM.
Những câu chuyện từ văn chương châu Âu ảnh 1 Cuốn sách Cách mạng ra mắt bạn đọc Việt Nam nhân Ngày sách châu Âu 2018 tại TPHCM
 Sự trở lại của văn học châu Âu
Ngày hội sách châu Âu tại TPHCM năm 2018 diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 20-5 với hàng loạt hoạt động văn hóa đọc, trong đó có nhiều buổi tọa đàm về văn học châu Âu hiện nay được độc giả TP quan tâm.
Như tại buổi tọa đàm với chủ đề “Văn học châu Âu - Từ văn chương đến điện ảnh”, các diễn giả đã trình bày những vấn đề của văn học châu Âu. Từng được xem là một nền văn học có nhiều ảnh hưởng đến bạn đọc Việt, nhưng một thời gian dài, các tác phẩm văn học châu Âu bị lép vế trước các tác phẩm đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật… Tuy nhiên, tình hình dần thay đổi khi nhiều tác phẩm văn học châu Âu được bạn đọc Việt biết đến thông qua những bộ phim chuyển thể.
Một dẫn chứng tiêu biểu là tác phẩm Bản đồ mây (NXB Trẻ xuất bản) của nhà văn người Anh David Mitchell. Đây có thể xem là một trường ca về lịch sử loài người từ thế kỷ 19 đến tương lai. Tác phẩm này khi xuất bản không gây ấn tượng bởi tính phức tạp trong câu chuyện của nó, thế nhưng sau khi bộ phim chuyển thể có nhan đề tiếng Việt là Vân đồ ra mắt, với dàn diễn viên nổi tiếng như Tom Hanks, Halle Berry, Hugh Grant…, tác phẩm đã nhanh chóng được bạn đọc tìm đọc lại.
Một ví dụ khác là cuốn Ông Trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất của tác giả người Thụy Điển đã được tái bản đến lần thứ 16 tại Việt Nam (NXB Trẻ xuất bản), cho thấy văn học châu Âu mới đang nhận được sự quan tâm của bạn đọc trẻ Việt Nam hiện nay.
Ngày hội sách châu Âu được xem là một cuộc biểu dương, giới thiệu nền văn học của cả châu Âu đến bạn đọc Việt, nhưng cũng từ đó phản ánh những vấn đề chung của nền văn học này. Tiêu biểu trong đó có thể nói đến sự lép vế của mảng văn học thiếu nhi mà châu Âu từng một thời được xem là đứng đầu thế giới.
Đa số sách thiếu nhi được giới thiệu dịp này vẫn là những tác phẩm nổi tiếng một thời, vốn đã quá quen thuộc. Bộ sách thiếu nhi mới hiếm hoi lại thuộc dòng sách kỹ năng, có tên gọi Học yêu thương từ cuộc sống của họa sĩ Bỉ Estelle Meens. Đây là dạng sách dành cho nhi đồng, thiếu nhi, với nội dung giàu tính giáo dục, như chia sẻ tình yêu, học cách nhận lỗi, cách sống chan hòa với bạn bè… Điều đáng chú ý là họa sĩ Estelle Meens đã trực tiếp có mặt tại Đường sách TPHCM để cùng trao đổi với bạn đọc về các vấn đề trong sách và cả những kinh nghiệm làm sách cho thiếu nhi.
Giới thiệu châu Âu hiện đại
Trong tuần lễ diễn ra Ngày hội sách châu Âu, nhiều tác phẩm đến từ lục địa này được giới thiệu, trong đó nổi bật nhất là dòng sách về văn hóa của một số nước châu Âu. Bạn đó có thể bắt gặp tác phẩm Hygge: Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé, cuốn sách song ngữ Anh - Việt, hướng dẫn phong cách sống hygge (bản năng) của người Đan Mạch qua sự hướng dẫn của nữ diễn viên Đan Mạch Marie Tourell Søderberg. Từ cách nấu ăn, trang trí, đến cách ứng xử trong cuộc sống, cách giải trí… đều giúp người đọc hình dung ra văn hóa đặc trưng của người Đan Mạch hiện nay.
Lagom - Vừa đủ, là cuốn sách về lối sống của người Thụy Điển. “Lagom” là từ dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều cũng chẳng quá ít. Người Thụy Điển dùng “lagom” như kim chỉ nam cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử, giao tiếp và thậm chí cả ẩm thực của riêng mình. Trong khi đó, cuốn Sisu - Vượt qua tất cả, lại tập trung vào nghệ thuật sống của người Phần Lan. Trong tiếng Phần Lan, “sisu” là sự pha trộn của lòng can đảm, sự dẻo dai, tinh thần bền bỉ và tính kiên trì. Cả ba tác phẩm trên đều giới thiệu các quốc gia vùng Bắc Âu. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, bởi so với các quốc gia châu Âu khác, những đất nước vùng Bắc Âu vẫn còn khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam, nhất là về những nét văn hóa đặc trưng. 
Ngoài ra, cũng nhân dịp này, một số hoạt động liên quan đến văn học, văn hóa châu Âu cũng được tổ chức, như hội thảo với chủ đề “Giải mã các mô-típ văn học và nghệ thuật dân gian phương Đông qua góc nhìn nhân học của Claude Lévi-Strauss”. Claude Lévi-Strauss là nhà nhân chủng học người Pháp, được ví là “cha đẻ nhân chủng học hiện đại”. Trong tác phẩm của mình, ông đã giải mã các mô-típ văn học và nghệ thuật dân gian phương Đông qua góc nhìn nhân chủng học. Một cuộc triển lãm nhỏ các minh họa tiêu biểu của ông cũng được tổ chức tại đường sách nhân dịp này.
Cuốn sách Cách mạng được xuất bản vào ngày 24-11-2016, trong thời gian mà tác giả của nó - chính trị gia Emmanuel Macron đang tranh cử chức Tổng thống Pháp. Ngay lập tức, nó đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong năm với hơn 200.000 bản được bán ra.
Cho đến nay, sách đã được xuất bản với hơn 20 ngôn ngữ. Tại Việt Nam, bản quyền sách được Tổng thống Pháp Macron trao cho đại diện Công ty Văn hóa Trí Việt (First News) trong buổi gặp ở Hội chợ sách Frankfurt (Đức) 2017.
Sáng 12-5, bản tiếng Việt của tác phẩm đã ra mắt với bản dịch của dịch giả Đàm Minh Thủy, NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản.

Tin cùng chuyên mục