Những “cột mốc sống” ở vùng biên

Chàng Riệc - khu dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng (xã Tân Lập huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) bây giờ không chỉ là nơi an cư của hàng trăm gia đình, mà đã trở thành “pháo đài” vững chắc nơi biên giới, mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Khai là thế hệ trẻ của khu dân cư biên giới Chàng Riệc
Học sinh Trường Tiểu học Tân Khai là thế hệ trẻ của khu dân cư biên giới Chàng Riệc

Lập nghiệp, thoát nghèo

Ông Ngô Minh Tùng, Trưởng ấp Tân Khai (xã Tân Lập), là một trong những cư dân đầu tiên lên lập nghiệp ở khu dân cư biên giới Chàng Riệc. Ông kể, hơn 10 năm trước, Chàng Riệc là rừng, dân cư thưa thớt, nằm cạnh đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng người dân xâm nhập bất hợp pháp qua các đường mòn, lối mở để mua bán hàng lậu, hàng cấm, khai thác lâm sản trái phép. Khu dân cư Chàng Riệc được thành lập nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ vùng biên giới, trở thành “phên dậu” của Tổ quốc. “Mỗi hộ lên đây lập nghiệp được cấp 1.000m2 đất ở - gồm căn nhà diện tích 42m2 và 1ha đất rẫy. Ngoài công việc làm nông, gia đình tôi mở xưởng cơ khí, sửa chữa máy móc, xe cộ phục vụ người dân, tăng thêm thu nhập nên cũng có của ăn của để”, ông Ngô Minh Tùng bộc bạch.

Gia đình anh Phạm Văn Lượng trở thành cư dân Chàng Riệc từ năm 2012. Sau một thời gian làm rẫy, tích lũy vốn, gia đình anh mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Cửa hàng quay mặt ra đường biên, không chỉ người dân trong khu vực mà người dân Campuchia bên kia biên giới cũng sang mua. Cửa hàng vật liệu xây dựng vừa là nơi kinh doanh, vừa là nơi giao lưu, tạo mối quan hệ tốt giữa người dân hai nước liền kề biên giới. Mới hơn 10 năm lên biên giới lập nghiệp, nhờ kinh doanh thuận lợi mà gia đình anh Lượng đã xây dựng được cơ ngơi làm ăn bề thế, đầu tư mở rộng sản xuất.

“Người dân Chàng Riệc hôm nay đã có cuộc sống ổn định, số hộ làm ăn khá giả chiếm tỷ lệ 30%-40%, thu nhập bình quân đầu người trên 76 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo theo tiêu chí mới không còn. Không chỉ thế, mỗi người dân nơi biên giới đã trở thành “cột mốc sống”, là chiến sĩ, cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ biên cương Tổ quốc.”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đào Văn Sớt chia sẻ.

Thị tứ trên vùng đất hoang sơ

Đến khu dân cư Chàng Riệc mới thấy được sức sống của chương trình xây dựng khu dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng; đưa người dân đến sinh sống, làm kinh tế, cùng bộ đội bảo vệ đường biên. Sau hơn 10 năm thành lập, từ vùng đất hoang sơ, Chàng Riệc đang dần trở thành một thị tứ vùng biên sầm uất, quy mô hàng ngàn nhân khẩu. Khu dân cư mới khang trang, được nhà nước đầu tư công trình hạ tầng dân sinh như điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt…

Thầy giáo Huỳnh Thanh Danh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Khai, cho biết, khu dân cư đã được đầu tư hệ thống trường mầm non, tiểu học hiện đại. Ngày mới thành lập, học sinh của trường có khoảng 80 em, đến nay có trên 210 em, chia làm 6 lớp học cả ngày.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trỗi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, từ nguồn ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ, trên 217 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Chàng Riệc. “Khu dân cư Chàng Riệc hiện nay có 320 hộ gia đình đến làm ăn sinh sống, sớm an cư lạc nghiệp. Huyện đang xem xét để bổ sung 51 hộ, và sẽ sớm đạt 500 hộ dân theo đúng quy hoạch đã phê duyệt trong thời gian không xa. Cùng với những gia đình trẻ có khát vọng, ý chí làm giàu, chính quyền ưu tiên xét duyệt những giáo viên, y, bác sĩ tình nguyện lên Chàng Riệc công tác, xây dựng cuộc sống lâu dài ở vùng biên”, ông Nguyễn Ngọc Trỗi thông tin.

Thực hiện Đề án số 811 ngày 1-4-2019 của Quân khu 7 về xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng, Quân khu 7 đã xây dựng 42 điểm/331 căn nhà liền kề chốt dân quân, với kinh phí 117 tỷ đồng; 9 điểm/66 căn nhà liền kề đồn, trạm biên phòng, kinh phí 11,2 tỷ đồng. Quân khu 7 từng bước xóa dần “vùng trắng” về dân cư trên tuyến biên giới, hướng tới bố trí dân cư đều khắp trên toàn tuyến, để người dân tự quản đường biên, cột mốc, với phương châm “mỗi người dân là một cột mốc biên cương”, là lực lượng tại chỗ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh khu vực phòng thủ.

Tin cùng chuyên mục