Những cuốn sách “hút” từ cái tên

Những cuốn sách “hút” từ cái tên

(SGGP-12G).- Tuần qua, làng sách cả nước đã đón nhận nhiều cuốn sách hấp dẫn thuộc nhiều đề tài. Nhưng đáng chú ý là trong số đó có nhiều tác phẩm thu hút bạn đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên.

9 tuổi dạy... “tán gái”

Lời giới thiệu rất sốc: “Sách dạy tán gái của cậu bé 9 tuổi ra mắt ở Việt Nam”, trang bìa để rõ ràng “bí kíp cưa cẩm”. Có lẽ khó bạn đọc nào có thể nén được tò mò trước lời quảng cáo như thế. “Tán gái” là một khái niệm rất mơ hồ, có người cả đời cũng không biết làm thế nào để “tán gái” huống chi một chú bé 9 tuổi. Đó là chưa kể mới 9 tuổi đã biết đến chuyện đó cũng là một chuyện lạ.

Tuy nhiên, thực tế cuốn sách có cái tên nhẹ nhàng hơn rất nhiều: Làm thế nào để nói chuyện với bạn gái (How to talk to girls) và tác giả là cậu bé Alec Greven mới 9 tuổi đang học lớp 4 tại Castle Rock, Colorado, Mỹ.

Cuốn sách này rất nổi tiếng trên thế giới, tuy nhiên có lẽ nó nổi tiếng vì tác giả còn quá nhỏ và vấn đề nêu ra lại có vẻ quá sức. Hãy xem “lời khuyên” của một cậu bé 9 tuổi về tình yêu: “Nếu cậu làm cho một bạn gái thích mình, thì đó đúng là chiến công đấy”. “Phải lòng cũng giống như một căn bệnh tình yêu vậy. Nó có thể làm cậu mất trí. Nhưng đừng để nó biến cậu thành một thằng nhóc u sầu nhé”.

Sách được chia làm 7 chương theo đúng trình tự của quá trình chinh phục một cô gái. Tác giả nêu lên những thông tin đầy chất “kinh nghiệm” như về những cơn “cảm nắng”, giúp các chàng trai tìm được một nửa phù hợp vì “đũa nào mà chẳng có đôi”, chỉ ra nghệ thuật “gây ấn tượng với các cô nàng”, và “nói gì với các cô nàng”.

Tác giả 9 tuổi yêu cầu nhất thiết phải có “những lời có cánh, hoa và hơn thế nữa”, để đảm bảo cho “thành công”! Và chính tác giả cũng khẳng định: “Nếu là một anh chàng đang cần nói chuyện với bạn gái, cuốn sách này có mọi câu trả lời cậu cần đấy!”.

Nội dung của sách chỉ có vậy, nhưng lại được quảng cáo quá sốc, có khi gây phản cảm. Có lẽ sách chỉ phù hợp để cho các cậu bé 9 tuổi học đòi yêu quá sớm! Nhưng dù sao sách vẫn thu hút khá đông bạn đọc, ai mua sách cũng vì tò mò muốn biết 9 tuổi thì yêu sẽ như thế nào. Một cuốn sách chưa chắc đã bổ ích...

Lại chuyện chân ngắn

Thế giới các cô người mẫu, “hot girl” chân dài có vẻ đã bị khai thác quá độ. Người ta bắt đầu chú ý đến “phần còn lại của thế giới phụ nữ”, những cô gái “chân ngắn”.

Với nhan đề Chân ngắn thời hiện đại, cuốn sách do NXB Trẻ xuất bản này thực chất là tập hợp các bài viết trong cuộc thi Entry (bài viết trên blog) do báo TT&VH tổ chức vừa qua. Ý tưởng của cuộc thi bắt nguồn từ entry “Vì em là một cô gái chân ngắn thời hiện đại” của nickname Kim (tuy nhiên bản thân bài viết này không đoạt giải). Nội dung của bài viết khái quát được nét đẹp, sự hấp dẫn của nữ giới không chỉ thể hiện ở đôi chân. Từ bài viết này, đã làm nguồn cảm hứng cho rất nhiều những bài viết khác, thể hiện những biến thiên tình cảm đa dạng của cuộc sống xung quanh vấn đề “chân dài, chân ngắn”.

Một cuốn sách khác cũng thu hút bạn đọc, đứng trong bảng xếp hạng 10 cuốn sách bán nhiều nhất trong 2 tuần đầu tháng 6 là Giường đàn bà (do Chibooks liên kết với NXB VHSG thực hiện). Cách giới thiệu của cuốn sách cũng rất ly kỳ: “Trong túi xách của người đàn bà có thỏi son,có bao cao su tránh thai, có khăn giấy mềm mại có lúc có thêm một con dao”. Đọc như thế hiếm có độc giả nào có thể nén nổi tò mò cầm sách lên.

Một nhà phê bình sách tại cuộc hội thảo lớn về văn hóa đọc từng nhận xét: “Ngày nay bạn đọc không còn thời gian để chọn lựa sách, họ chỉ còn kịp mua những cuốn sách mà họ cảm thấy ấn tượng từ quảng cáo hay là cách đặt tên”. Mùa hè năm 2009, thị trường sách đang chứng minh nhận xét này có lý.

Tân Tường

Tin cùng chuyên mục