Được xếp vào một trong những dòng tranh nghệ thuật đặc biệt của Việt Nam, tranh cổ động đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan đơn thuần để có một sức sống lâu dài trong lòng công chúng. Hàng trăm tranh cổ động thời kỳ kháng chiến đã ra đời phục vụ công cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Nhiều tác phẩm hiện được lưu giữ tại các bảo tàng trong cả nước. Có thể kể tới một số tác phẩm xuất sắc như: “Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” của Huỳnh Văn Gấm, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Huy Oánh và Nguyễn Thụ, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” của Vũ Viết Quang, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Huỳnh Văn Thuận, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Thục Phi...
Không chỉ là một trong những người đặt nền móng cho dòng tranh cổ động ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Mình cũng là một trong những hình tượng được triệt để khai thác. Những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đa dạng về thể tài, bút pháp, khắc họa chân dung Người giản dị. Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, những tác phẩm tranh cổ động được trưng bày lần này chủ yếu là tác phẩm gốc, được sáng tác hoặc phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, từ năm 1969 đến năm 2016. Bằng bút pháp đồ họa phong phú và ngôn ngữ khúc chiết, người xem có thể cảm nhận rõ nét tình cảm nồng ấm của Bác với người dân Việt Nam và người dân Việt Nam với Bác. Không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh cổ động về Bác mà công chúng còn có cơ hội trò chuyện, tìm hiểu những câu chuyện xúc động về quá trình sáng tác của các họa sĩ.
Là tác giả của bức tranh nổi tiếng với hình vẽ “Bác Hồ với thiếu nhi” được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố - giữa trung tâm thủ đô Hà Nội gần 40 năm nay, họa sĩ Trần Từ Thành kể: “Năm 1975, khi đất nước thống nhất, tôi hào hứng tìm đề tài cho bức tranh tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976 tại Hà Nội. Đây là dịp để bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình và vì thế đề tài đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất tại thời điểm đó chính là hình ảnh Bác với trẻ thơ. Bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” đoạt giải cao trong cuộc thi ấy và được in hàng vạn bản, phát hành trên cả nước”. Không chỉ ở Việt Nam mà tác phẩm còn xuất hiện tại Bảo tàng Lenin ở Mátxcơva (Nga), La Habana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau. “Đã có nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế dạm mua bản gốc của bức tranh nhưng tôi từ chối, bởi đó là kỷ vật riêng, vô giá của đời mình”, họa sĩ Trần Từ Thành chia sẻ.
Với họa sĩ Lê Huy Trấp, hai lần được gặp Bác luôn là những kỷ niệm và vinh dự vô cùng lớn lao. Chính tình yêu, sự kính trọng ấy đã được chuyển tải vào tác phẩm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bức tranh gốc lúc đầu mang tên là “1890 - 1970”, họa sĩ sáng tác năm 1970 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của Bác và được chọn tham dự triển lãm mỹ thuật tại La Habana. Sau triển lãm, Chủ tịch Fidel Castro đã yêu cầu ấn hành tác phẩm để giới thiệu về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp đất nước Cuba. Năm 1975, họa sĩ quyết định đổi tên tranh thành “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của tác giả Nguyễn Thụ - Huy Oánh cũng được cho là một trong những tác phẩm gắn liền với lịch sử của dân tộc. Bức tranh được đánh giá cao không chỉ về nội dung tư tưởng, mà còn được giới họa sỹ xem là tác phẩm ấn tượng, sống mãi trong lòng dân. Năm 2013, tại Anh quốc, tác phẩm được trưng bày trong Triển lãm Tranh cổ động châu Á (Asian Propaganda: The Art of Influence).
Ngôn ngữ khúc chiết của tranh cổ động cùng nhiều câu chuyện kể ẩn chứa đằng sau mỗi tác phẩm đã một lần nữa khắc họa một cách rõ nét chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.