
Nhận lời mời của Bộ Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran, đoàn Hội Nhà văn Việt Nam gồm nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Triệu Xuân đã đến Iran tham dự Festival và Triển lãm văn hóa, báo chí, truyền thông quốc tế lần thứ 15, diễn ra tại thủ đô Teheran vào trung tuần tháng 11 vừa qua.

Nữ sinh viên Trường Đại học Teheran đi thực tập.
Iran, xứ sở của Ngàn lẻ một đêm, thảm Ba Tư tuyệt vời, Phiên chợ Ba Tư vô cùng phong phú, với những người dân thật thà, yêu tự do, tha thiết hòa bình và thân thiện. Dân số Iran đến nay khoảng 75 triệu người. Văn hóa Ba Tư có sớm hàng thế kỷ trước khi có văn minh Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên (CN).
Người Ba Tư đã ghi chép lịch sử của mình từ năm 3200 trước CN. Năm 1959, vua Mohammad Reza Pahlavi đã ký sắc lệnh: cả hai tên Iran và Persia đều có giá trị như nhau. Persia phiên âm theo Hán Việt là Ba Tư. Đế quốc Ba Tư vô cùng hùng mạnh, trở thành trung tâm Thời đại hoàng kim Hồi giáo từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 11. Năm 1220, quân Mông Cổ tràn sang, Ba Tư tan rã và bị chia cắt.
Teheran nằm dưới chân dãy núi Damavand, đỉnh núi tuyết phủ, sườn núi có rất nhiều hồ nước thiên tạo. Khi tôi ở đây, nhiệt độ từ 5 đến 12 độ C, nhưng tháng giêng, nhiệt độ xuống âm 12 độ. Iran có 28 tỉnh, 252 thị xã và 680 huyện. Thủ đô Teheran rộng mênh mông. Iran có hàng chục triệu dân nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu là từ Iraq và Afghanistan. Vì thế dân số thực tế ở Teheran tới hơn 15 triệu người, với hơn 4 triệu xe hơi, không kể xe tải và các loại xe có động cơ khác.
Hạ tầng cơ sở tại Teheran cũng như trên toàn quốc được quy hoạch và xây dựng khá hiện đại. Tại tập đoàn công nghiệp sản xuất ô tô Khodro mà tôi đến thăm, người ta sản xuất xe Peugeot 405, công nghệ do Pháp chuyển giao. Khodro chiếm 60% thị phần xe ô tô nội địa và xuất khẩu mỗi năm trên 100.000 xe. Giá một chiếc Peugeot 11.000 USD, trong khi xe Toyota đời mới nhập khẩu 35.000 USD.
Giá xăng trước tháng 7-2008: 1 USD 9 lít. Từ tháng 8-2008 đến nay, 1 USD 2,5 lít. Bình quân mỗi gia đình có 2 chiếc xe ô tô, là phương tiện đi làm. Lương nhân viên nhà nước khá cao. Một nhà báo làm việc trong Tập đoàn báo chí Ettellaat Newspaper Building cho biết: lương trả cho một ngày đi phỏng vấn là 75 USD/ngày. Công nhân Tập đoàn Khodro đang làm việc (90% công việc được tự động hóa) thì loa phóng thanh phát bài kinh Coral.
Họ vừa chăm chú làm việc vừa lắng nghe. Người dân nào cũng cầu nguyện ba lần trong một ngày, mỗi lần từ 10 đến 15 phút. Nơi cầu nguyện có thể ở bất cứ chỗ nào, Thánh đường có vòm cao hoa văn trang trí tinh xảo hoặc chỉ là một căn phòng nhỏ sạch sẽ ở nhà ga, sân bay, bến cảng... Khi quỳ xuống khấu đầu cầu nguyện, người ta hướng về phía Tây, phía Thánh địa Mécca. Khởi thủy, đạo Hồi cũng như các tôn giáo khác khuyến khích con người sống lương thiện, làm việc thiện, bình đẳng, bác ái. Luật Hồi giáo cấm uống rượu, bia, cấm mại dâm, cờ bạc. Kẻ nào ăn cắp bị trừng phạt lập tức…
Phụ nữ Iran có gương mặt rất đẹp, đẹp đến ngã người như nhà thơ Hữu Thỉnh từng thốt lên! Theo luật Hồi giáo, một phụ nữ đứng ở cửa nhà mình nhìn ra đường mà không trùm áo choàng đen kín từ đầu tới chân thì cảnh sát tôn giáo tới phạt liền! Ở trong nhà, người phụ nữ không phải trùm áo choàng đen. Ra ngoài, các cô gái trong lứa tuổi đẹp nhất, từ 15 đến 22, tuyền một màu đen, chỉ hở khuôn mặt, có nơi trùm kín chỉ chừa đôi mắt!
Tôi đến thăm Golestan Palace, cung vua ở trung tâm Teheran, xây dựng từ hơn 200 năm trước. Cung được kiến trúc theo truyền thống Hồi giáo, có bảo tàng mỹ thuật, có nhà gương và tòa nhà Nghị viện. Vườn hoa rộng hơn vườn Tao Đàn ở Sài Gòn, trồng toàn cây sồi, cây phong, thân cây hai ba người ôm. Nhiều cây chết đứng. Cả vườn hoa toàn quạ đen kêu inh ỏi, rợn người. Có gần chục hồ nước trong vườn, nhưng thảy đều khô kiệt. Tôi hiểu, khi dồn ngân sách cho quốc phòng, những khó khăn về tài chính khiến Iran phải bó tay nhìn những công trình lịch sử, văn hóa đang xuống cấp…

Một góc đường phố Teheran.
Viện nghiên cứu sinh học ở Teheran (Rooyan Reseearch Institute) rất thành công trong việc nghiên cứu lai ghép tế bào, nhân giống sinh sản vô tính cừu, tạo ra nhiều loại tế bào sinh học, tế bào người phục vụ y học… Công nghệ sinh học của Iran được đứng vào hàng những nước phát triển! Thư viện Trung ương ở Teheran có quy mô quá lớn (chỉ nhỏ hơn Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ).
Nếu đi hết các phòng và khu vực của thư viện này phải mất một ngày. Thư viện mới xây 4 năm nay, khu dành cho thiếu nhi rất đẹp, có khu dành cho ngành Iran học. Hiện đại và tiện nghi đến từng chi tiết, kể cả những hồ bát giác đầy ắp nước theo thuật phong thủy, chứng tỏ Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo rất có ý thức đào tạo đội ngũ trí thức phục vụ đất nước.
Ngôn ngữ Ba Tư lừng danh trong hơn 2.500 năm. Văn hóa Iran từng vang bóng trong quá khứ với nghệ thuật, kiến trúc, triết học, âm nhạc, thi ca… Những nhà thơ nổi tiếng thế giới như: Hafez, Rumi, Omar Khayyam và Firdosi. Nền điện ảnh Iran đang được cả thế giới chú ý, với hàng chục giải thưởng quốc tế trong mấy năm qua. Toàn bộ hệ thống phương tiện truyền thông đều được Nhà nước thông qua Bộ Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo kiểm soát trực tiếp, kể cả Internet.
Trái với Teheran ồn ào, sôi động, kẹt xe và ô nhiễm, cố đô Esfahan với gần 2 triệu dân, là thành phố rất đẹp, yên tĩnh, sạch sẽ. Đây là thành phố vườn, rất nhiều rừng trong phố, có dòng sông chảy qua, có cây cầu kiến trúc đẹp, với 22 vòm cửa nhìn xuống sông tượng trưng cho ngày 22 (tháng 2-1979), ngày thắng lợi của cách mạng Hồi giáo. Esfahan có quảng trường lớn, trước kia là hoàng cung, nay là trung tâm thương mại.
Không khí và hình ảnh của phiên chợ Ba Tư được tái hiện tại đây. Tôi gặp nhiều người dân Iran từ các miền xa tới Esfahan. Họ rất mến khách, rất dễ gẫn gũi và tin cậy. Một gia đình làm nghề chạm bạc mời tôi uống trà, ăn bánh và cho tôi thử chạm bạc. Một gia đình có cháu bé trai rất kháu khỉnh đang picnic trên thảm cỏ bờ sông mời chúng tôi ngồi chơi, cho tôi bế con trai để chụp ảnh. Khi biết chúng tôi là Việt Nam, người Iran luôn giơ ngón tay cái lên và nói: Việt Nam – Hồ Chí Minh, anh hùng và tuyệt vời!
Triệu Xuân