Ngày 30-12, Thành đoàn TNCS TPHCM tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, trao giải hội thi Tuổi trẻ làm theo lời Bác năm 2010. 4 năm qua, trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều công trình, ý tưởng có ích cho cộng đồng của rất nhiều những người trẻ…
Thư viện mini cô Ba
| |
Thông báo mới nhất từ thư viện mini cô Ba: “Kể từ thứ ba ngày 26-10-2010 đến ngày 9-12-2010, thư viện mini cô Ba sẽ tạm đóng cửa. Lý do: để sửa chữa và xây dựng lại theo nhu cầu phát triển cùng những định hướng, ý tưởng mới. Hy vọng sau khi “thư viện mini cô Ba” hoàn tất việc sửa chữa, trong buổi khánh thành nho nhỏ sẽ có sự tham gia, góp mặt của tất cả những cô chú, anh chị bạn bè, những gương mặt thân quen, mới quen, sẽ quen và chưa quen, những người luôn quan tâm, ủng hộ, chia sẻ xuyên suốt thời gian “thư viện mini cô Ba” ra đời. Niềm vui chia sẻ, niềm vui nhân đôi…”. Trên góc trái màn hình là châm ngôn: Thiên thần không đôi chân - sẽ đi bằng tâm hồn!
Đó là một trong những bài viết mới nhất trên blog của cô gái Huỳnh Thanh Thảo - tên má gọi ở nhà là bé Ba, tên khi lên lớp dạy học cho học trò nghèo là cô Ba. “Cô Ba” năm nay 24 tuổi, cao chưa tới 65cm, bị nhiễm chất độc da cam, bị bệnh xương thủy tinh. “Cô Ba” chưa một ngày được đi học nhưng có thâm niên hơn chục năm dạy học và là cô giáo của hơn 40 học trò nghèo ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Xuân, má của Huỳnh Thanh Thảo kể: “Nó sinh ra đã vậy, 9 tuổi vẫn nằm ngửa. Con cái nhà người ta đi học còn nó mới tập lật, tập ngồi”. Thương con, bà mua sách về dạy con đọc chữ, làm toán. Lần hồi, Thảo tự mày mò đánh vần, ráp chữ. Nhà nghèo, vừa coi tiệm tạp hóa nhỏ của má, Thảo tranh thủ dạy kèm cho mấy đứa nhỏ trong xóm. Sức khỏe yếu, Thảo thường xuyên phải nhập viện nhưng hễ vừa khỏe lại một chút là em lại lên mạng quyên góp sách cũ để lập một thư viện mini tại nhà. Kiến tha lâu đầy tổ, lần hồi Thảo cũng góp nhặt được hơn 2.000 đầu sách. Thư viện mini cô Ba ra đời, thu hút hơn 300 lượt khách hàng ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau: Từ các em học sinh đến các anh chị công nhân, thậm chí các cô chú lớn tuổi cũng tìm tới đọc.
Không có chân, di chuyển khó khăn, vậy mà Thảo đã tổ chức được nhiều chương trình tình nguyện, lôi kéo được nhiều bạn trẻ tham gia. Cuối năm, Thảo cũng bắt chước người ta tổng kết lại những chuyện đã làm. Tổng cộng có 19 chương trình từ thiện mà cô gái nhỏ, yếu đuối, bệnh tật ấy làm được trong năm 2010.
19 chương trình, 19 điều chưa nói hết. Lâu lâu, trên blog của Thảo lại thấy mấy dòng thông báo nhỏ xin tạm ngưng hoạt động trên mạng. Đó là thời gian Thảo phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Bẵng đi một thời gian, bạn bè lại thấy nickname thienthankhongdoichan bừng sáng. Để rồi sáng nay, vào lại blog của Thảo, lại thấy em cười thật tươi trong một bài viết mới post lên: Mình tên Huỳnh Thanh Thảo. Công việc hiện tại: Buôn bán card điện thoại, dạy kèm các em nhỏ trong xóm. Mình quyết định thành lập Câu lạc bộ “San sẻ yêu thương” nhằm tạo nhịp cầu kết nối những người khuyết tật đến với nhau. Mình hy vọng qua những dòng thư ngỏ này, tất cả các bạn khuyết tật sẽ mở rộng vòng tay bè bạn để xoa dịu nỗi đau, cùng giúp nhau vượt qua tất cả để hướng về một tương lai tươi sáng…
Dừng một lần duy nhất
“One stop - dừng một lần duy nhất” là công trình đầy ấn tượng của Chi đoàn Bệnh viện quận 11 nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi, phục vụ tốt hơn bệnh nhân có thẻ BHYT và giảm tải cho các y, bác sĩ. Ý tưởng đó chính là một quy trình: bệnh nhân vào phòng nhận bệnh, nộp sổ khám bệnh, thẻ BHYT, bác sĩ khám bệnh và cho ra các chỉ định cận lâm sàng. Sau đó, bệnh nhân đến phòng thu phí đóng tiền. Khi đóng tiền xong sẽ nhận thuốc và thẻ BHYT cùng một lúc. Khi thực hiện quy trình này, bệnh viện phải sắp xếp được 3 phòng liên thông với nhau và gần nhau. Bệnh nhân khám bệnh - thanh toán tiền - lãnh thuốc - nhận lại thẻ BHYT chỉ một lần duy nhất. Ngoài ra, bệnh viện còn thực hiện bàn hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh bằng BHYT, phân công đoàn viên thanh niên tại các phòng, khoa mặc đồng phục trực tại bàn hướng dẫn vào tất cả các ngày trong tuần với phương châm: Tác phong lịch thiệp - ứng xử thông minh - Nụ cười thân thiện. Riêng các ngày cao điểm đầu tuần và cuối tuần, số đoàn viên trực được tăng cường để phục vụ người bệnh tối đa.
Trên địa bàn phường 9, quận 8, nhiều người dân biết đến Chuyến xe tri ân của đội hình thanh niên tình nguyện Ong xanh. Hàng tháng, các bạn đoàn viên xung phong làm tài xế miễn phí chở các mẹ Việt Nam anh hùng đến nhận chế độ rồi về. Không những vậy, các bạn còn ghi cả số điện thoại “nóng” trên xe để khi có bệnh tật ốm đau, các mẹ có thể alô nhờ giúp đỡ. Nhớ bài học hũ gạo cứu đói của Bác Hồ, đoàn viên Chi đoàn ấp 4, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh vừa bỏ tiền túi, vừa vận động các mạnh thường quân thành lập quỹ vì cộng đồng để giúp đỡ người nghèo. Ngày lễ, ngày nghỉ, các bạn ra chợ đầu mối, tìm đến các nhà vườn mua hoa đem bán để kiếm tiền gây quỹ…
MAI HƯƠNG