
Không còn chỗ cho những “câu hỏi mồi” được “cài đặt” trước như vẫn thường thấy trong những chương trình giao lưu, sáng 7-3, hội trường Cung Văn hóa Lao động TPHCM thật sự sôi nổi khi hết chị công nhân (CN) giày đến cô CN may tranh nhau lên hỏi chuyện các nhân vật chính của buổi tuyên dương “Nữ công nhân lao động tiêu biểu”.
- “Con ong chăm chỉ” Hoàng Thị Sao Mai

Gương mặt rạng rỡ của các nữ công nhân trong buổi tuyên dương (từ trái sang phải): chị Nguyễn Thị Thủy, Hoàng Thị Sao Mai, Võ Thị Lệ Thanh, Nguyễn Thị Yến. Ảnh: ĐÀI TRANG
Với chất giọng Quảng Bình thương thương rất thật, Hoàng Thị Sao Mai, Công ty TNHH Trường Lợi làm cả hội trường xúc động khi nghe chuyện Mai bỏ học đi làm nuôi em. Nhà nghèo quá, học hết lớp 12, Mai chỉ dám thi vào trung cấp y. Nhập trường được mấy tháng thì nhận được tin cảnh nhà túng bấn. Mai lặng lẽ rời trường, một mình vào Sài Gòn, lên khu công nghiệp Bình Chiểu xin làm công nhân giày da.
Từ chỗ không biết gì về chuyên môn, nhờ siêng năng học hỏi và khéo léo, tinh tế, nhanh nhạy trong từng đường kim mũi chỉ, Mai nhanh chóng được chọn vào tổ may mẫu của công ty. Cô bé được các đồng nghiệp tin yêu, gọi đùa là con ong chăm chỉ. Đi làm mỗi tháng được gần 1,5 triệu đồng, Mai chỉ để lại cho mình tiền nhà trọ và tiền ăn, còn lại gửi về cho mẹ nuôi em.
Từ đồng tiền chắt chiu của chị, cả hai em của Mai đã đường hoàng bước vào đại học. Chiếc gánh trên vai Mai đã nặng, nay càng nặng hơn. Thế nhưng, cô gái ấy lúc nào cũng lạc quan: “Mình đã không học lên cao được, nay các em học thay thì mình càng vui. Các chị hỏi mục tiêu sắp tới của em là gì á? Em chỉ ráng lo cho 2 đứa em cho tới lúc ra trường. Phần mình, em gắng sao cho tay nghề thật vững, để chứng tỏ cho mọi người thấy không phải không vào đại học là cuộc đời sẽ… tối mịt mù.”
Đầu năm 2007, Hoàng Thị Sao Mai vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Xuân này, cô vừa tròn 24 tuổi - đảng viên trẻ nhất của công ty.
- Những người “vượt lên số phận”
“Em muốn hỏi nghị lực nào đã giúp chị Thủy nuôi hai con trong suốt 12 năm qua mà… không có chồng…?”

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Nguyễn Huy Cận trò chuyện cùng nữ công nhân tiêu biểu. Ảnh: ĐÀI TRANG
Câu hỏi bộc tuệch và có chút suồng sã của của một nữ CN khiến mọi người xôn xao và đổ mắt dồn về phía chị Nguyễn Thị Thủy, CN Công ty Dae Woong chờ đợi câu trả lời. Sự xúc động làm chị không nói nên lời. 12 năm trước, chồng chị dứt áo ra đi, bỏ lại chị một nách hai con chưa đầy 3 tuổi. Người mẹ trẻ xoay hết việc này đến việc khác, từ làm rẫy, trồng bông cho đến đan nón lá ở miền quê nghèo Hóc Môn, quần quật từ đầu hôm đến chập tối mà vẫn không đủ nuôi con.
Năm 1997, chị xin vào làm CN may thú nhồi bông. 10 năm làm việc, từ một CN, chị được đề bạt làm tổ trưởng tổ may rồi làm quản đốc 6 tổ may với trên 250 CN. Những sáng kiến kỹ thuật nho nhỏ trong quá trình làm việc đã giúp chị được nhận bằng khen của UBND TP năm 2004 và được đề cử giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2006. 12 năm qua, có không ít người đàn ông muốn ghé vai chung gánh với chị nhưng chị một mực khước từ. Hiện ba mẹ con chị Thủy vẫn sống trong căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2. Đêm đêm, chị nhận hàng gia công của công ty về làm thêm để trang trải chi tiêu và dành dụm cho các con.
Hội trường lặng đi trong câu chuyện của Võ Thị Lệ Thanh. Đó là buổi học đầu tiên tại lớp học Anh văn mới mở của Công ty Giày Việt Nam Sam Ho. Thầy giáo muốn làm quen với học trò mới. Ông tiến gần nữ công nhân trẻ măng, bé nhỏ ngồi ở đầu dãy hỏi thăm chuyện chồng con, gia đình. Mới nghe hỏi mấy câu, cô gái ôm mặt khóc… 5 năm trước, đang ngồi làm việc ở bộ phận sơn giày của công ty thì chị Võ Thị Lệ Thanh nhận được tin nhắn về dọn nhà để… nhận xác chồng.
- Liên đoàn Lao động TPHCM hiện đang quản lý 5.710 công đoàn cơ sở (CĐCS) và nghiệp đoàn, trong đó khu vực ngoài quốc doanh có 3.897 CĐCS với gần 464.000 đoàn viên công đoàn, trong đó có gần 260.000 nữ công đoàn viên. - Năm 2006, các cấp công đoàn đã giới thiệu 10.918 đoàn viên ưu tú cho Đảng, kết quả có 2.287 người đã được kết nạp Đảng, trong đó có 43 công nhân trực tiếp lao động và 100 lao động nữ. - Trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, có gần 17.000 lao động nữ tham gia chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và 12.321 phụ nữ học các lớp nâng cao trình độ. M.Y |
Thì ra chồng Thanh chở đứa em gái đi đăng ký xuất khẩu lao động, cả hai bị tai nạn giao thông chết ở cầu Tham Lương. Ôm đứa con trai chưa đầy 8 tháng, Thanh ngồi như hóa đá giữa nhà. Cô chỉ vừa 21 tuổi. 5 năm trôi qua, người mẹ trẻ ấy vẫn sống một mình. Để có tiền nuôi con, cô lao vào làm việc cật lực.
Chỉ sau 2 năm công tác, Thanh được đề cử làm tổ trưởng tổ quản lý sản xuất rồi làm chuyền trưởng. Cô gái chưa từng qua một khóa đào tạo nào về chuyên môn kỹ thuật ấy đã có hơn 100 đề án cải tiến chất lượng sản phẩm, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Thanh cười hồn nhiên: “Mỗi đề án, em được công ty thưởng vài trăm ngàn đồng, cũng có thêm chút tiền lo cho con. Sang năm, con em đã vào lớp một”. Mọi người càng khâm phục hơn khi biết rằng hiện Thanh vẫn sống gần gia đình chồng, sớm hôm thăm nom ba má chồng như ngày chồng Thanh còn sống.
Chị Nguyễn Thị Yến, CN Công ty Cơ điện Minh Khoa lại đem đến cho khán giả câu chuyện cổ tích “kiến tha lâu đầy tổ”. Tạm biệt mẹ già cùng hai con nhỏ ở Vĩnh Phúc, chị cùng chồng vào TPHCM làm CN cho công ty chuyên lắp ráp nồi cơm điện. Từ chỗ chưa biết gì về chuyên môn, đến nay, chị được công ty tin tưởng giao phụ trách tổ lắp ráp nồi cơm điện, giám sát chất lượng lồng nhôm KCS. Tảo tần tích cóp, mỗi tháng, 2 vợ chồng chỉ dám ăn 500 ngàn đồng, gửi về cho con 500 ngàn đồng, còn lại để dành mua đất, cất nhà. Hiện tại, chị Yến đã xây được nhà cho bố mẹ chồng ở quê mua được miếng đất ở Củ Chi. Đời công nhân vất vả của vợ chồng chị sắp sang một trang mới.
Cuối buổi giao lưu, chúng tôi bắt gặp nhiều nữ CN vẫn nán lại để chụp với Sao Mai một tấm hình, nắm tay chị Yến một cái hay động viên chị Thủy một câu… Những cái siết tay, những câu nói chất phác, thật thà của những chị em quen miệt mài bên bàn máy khiến người ta thấy lòng mình ấm áp…
ĐOÀN MAI HƯƠNG
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày 7-3, Liên đoàn Lao động TPHCM đã biểu dương 200 nữ công nhân lao động giỏi tiêu biểu năm 2007. PVCT - Q.P. - Q.H. |