Những tia sáng nơi xóm tối

Những tia sáng nơi xóm tối

(SGGP 12G).- “Xóm mù” thành tên gọi từ rất lâu, từ khi những người mù đến sinh sống nên xóm nên làng. Quanh năm sống trong tối tăm, nhưng nhờ có tình yêu, có tình làng nghĩa xóm, có những đứa con ngoan  nên những con người ấy vẫn sống lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng…


Tình yêu của những người đồng cảnh

Những tia sáng nơi xóm tối ảnh 1
Chú Huỳnh Tấn Dũng lỉnh kỉnh với những món hàng

Bên cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) có một xóm được gọi là xóm mù, tập trung những cư dân đến từ nhiều miền đất khác nhau nhưng họ cùng có điểm chung là đều bị mù.

Hồi mới lập xóm, có rất đông người mù cùng sinh sống ở đây. Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều người rời xóm đi kinh tế mới khắp nơi. Đến năm 2003, nhiều gia đình nằm trong diện giải tỏa cũng rời xóm mù, bây giờ chỉ còn khoảng 10 hộ ở lại xóm. Chú Huỳnh Tấn Dũng (ngụ 716/10 Tân Kỳ Tân Quý, khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) là một trong những người đầu tiên đến định cư ở xóm mù.

Chú Dũng nhớ lại: “Hồi mới vô đây, số phận của những người mù cũng tăm tối, đen thui như dòng Kênh Nước Đen. Thế mà tình yêu thương của những con người đồng cảnh ngộ đã giúp chúng tôi sống được đến bây giờ”.

Chú Dũng năm nay đã 57 tuổi, chú và vợ đều quê ở Quảng Nam, cùng nhau tha hương cầu thực trôi dạt vô tận đất Sài Gòn. Hồi còn là cậu bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, mắt chú cũng sáng như mọi người, thế nhưng một căn bệnh quái ác đã cướp đi ánh sáng của đời chú. Lúc chú bị bệnh, gia đình quá nghèo, không có tiền nên không đi khám, không biết là bệnh gì. Chú dần dần bị mờ mắt và mù hẳn vào năm 17 tuổi.

Nhờ có đi học, nên chú không nản chí, tiếp tục đăng ký học ở Trường mù Hội An, sau đó ra học nghề đánh máy chữ nổi ở Trung tâm Chức năng Đà Nẵng. Chính tại lớp học nghề này, chú đã tìm được hạnh phúc đời mình khi gặp cô Võ Thị Năm cũng bị mù, đang học nghề cùng chú.

Tuy không nhìn thấy được nhau, nhưng tiếng gọi con tim đã đem hai người đến bên nhau. Họ cùng dắt nhau vô quận 3 (TPHCM) đi bán vé số sống qua ngày, sau đó có người quen cùng bán vé số giới thiệu lên xóm mù bên dòng Kênh Nước Đen này. Được những người mù sống trong xóm động viên, một lễ cưới đơn sơ với trà, bánh đã kết duyên cho chú Dũng và cô Năm nên nghĩa vợ chồng.

Những tia sáng nơi xóm tối ảnh 2
4 đứa con là gia tài của chú Nguyễn Dũng và cô Hoa

Chú Nguyễn Hương (ngụ 716/2 Tân Kỳ Tân Quý, KP5, phường Bình Hưng Hòa) cũng quê ở Quảng Nam, vô Sài Gòn từ hồi giải phóng. Hồi mới vô, chú Hương sống ở quận 10, làm nghề bán vé số. Chú thường xuyên đến sinh hoạt trong Hội Người mù quận 10 rồi gặp cô Cúc, họ yêu nhau và nên duyên vợ chồng nhờ sự tác hợp của những người trong hội. Sau đó hai vợ chồng chú cũng tìm đến sinh sống ở trong xóm mù này.

“Tụi tui sống với những con người cùng chung cảnh ngộ với mình thì hiểu nhau hơn, đùm bọc nhau mà sống, không thành gánh nặng cho xã hội. Nhờ có tình yêu của vợ, tui sống tốt hơn, không bi quan như trước nữa”, chú Hương nói.

Cũng như chú Dũng, chú Hương, chú Lê Văn Hiền và cô Lư Thị Mỹ Linh, anh Vân và chị Trúc, chú Nguyễn Dũng và cô Nguyễn Thị Kim Hoa, anh Phương và chị Hương… đều đến với nhau vì cùng cảnh ngộ và theo tiếng gọi con tim. “Yêu nhau, sống với nhau, chúng tôi khỏi cảnh mồ côi, đỡ cô đơn, sống có nghĩa hơn trong cuộc đời. Tuy không thấy được nhau bằng mắt nhưng chúng tôi lại thấy nhau ở tấm lòng, ở tình yêu”, chú Nguyễn Dũng tâm sự.

Con cái là gia tài lớn nhất

Tuy mù lòa, nhưng những bậc cha mẹ trong xóm mù đều quyết tâm cho con cháu ăn học nên người, “để đời chúng nó sau này bớt khổ”. Cha mẹ mù nhưng con cái sáng mắt, đó là điều vô cùng quý báu đối với những người cha người mẹ ở xóm mù này. Ngoài đi học, lúc rãnh rổi hầu hết trẻ con trong xóm mù còn phụ cha mẹ đi nhặt ve chai kiếm thêm chút tiền mua sách vở. Có em thì một buổi đi học, một buổi dắt cha mẹ đi bán vé số, các em là ánh sáng dẫn đường cho cha mẹ trên bước đường mưu sinh.

Có những bậc làm cha mẹ sẵn sàng nhận hết cái khó về mình, không cho con cái đi làm, để chúng tập trung học tập. Như vợ chồng chú Huỳnh Tấn Dũng chỉ có một cô con gái duy nhất nên cô chú cưng cô con gái hơn vàng. Con gái chú - Huỳnh Thị Ngọc Diễm - học hết lớp 12 thì đi làm công nhân. Giờ Diễm đã lập gia đình, có một cậu con trai đang học lớp 5 và học rất giỏi. Đứa cháu ngoại là niềm tự hào của vợ chồng chú Dũng, có ai tới thăm chú cũng khoe cháu.

Chú Nguyễn Hương có 4 người con đều được đi học, hai đứa lớn học xong đã nghỉ và đi học nghề, hiện còn bé Hoa học lớp 12 và bé Hà học lớp 4. Cô Vũ Thị Say có hai người con, con trai lớn làm nghề buôn bán, cô con gái học Đại học Ngân hàng, giờ đã đi làm ở Ngân hàng Đông Á. Chú Nguyễn Dũng có 4 con đều đi học. Con cái là gia tài của những bậc cha mẹ này, mỗi lần đi ra đường, nhắc đến con cái họ rất tự hào vì chúng đều học khá, giỏi.

“Chúng tôi mù hai con mắt thì khó đôi bàn tay thôi, nhưng để con thất học thì không nỡ nào. Các cháu đều thương bố mẹ mà cố gắng học hành, đó là điều chúng tôi mừng nhất rồi”, chú Nguyễn Dũng nói.

Còn với những người con, cha mẹ là niềm tự hào, là động lực của chúng: “Ba má dù khó đến mấy cũng không cho bọn con nghỉ học, tụi con phải cố gắng học tốt để ba má vui. Ba má chính là động lực để tụi con phấn đấu, sau này còn phụng dưỡng ba má, chứ ba má già rồi, sức đâu mà đi bán suốt ngày ngoài đường được nữa”, Nguyễn Tấn Duy (con trai đầu của chú Nguyễn Dũng) trả lời chúng tôi khi em đang chỉ cho em gái học bài trên nền nhà chắp vá.

Ở nơi này, cha mẹ quanh năm sống trong bóng tối, không bao giờ nhìn thấy mặt con cái nhưng tình yêu thương, đức hy sinh của những bậc cha mẹ này là vô bờ bến, họ kiên trì tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn...

Lê Diễm

Tin cùng chuyên mục