Những trang viết đượm tình miền Trung

Diễn ra trong 4 tháng, từ ngày 21-6 đến 31-10, cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung (do báo Thanh Niên tổ chức) đã nhận được 1.102 bài tham gia từ các tác giả trong và ngoài nước.


Chiếm gần 1/4 bài dự thi là tác phẩm đến từ các tác giả đã từng sinh sống, gắn bó với miền Trung nhưng hiện đã ở TP.HCM (269 bài). Kế đến, lần lượt là bài viết dành tình yêu thương cho hồn quê, tình người miền Trung đến từ các tác giả ở Đà Nẵng (176), Huế (69), Hà Nội (61), Quảng Nam (51 bài)...

Đặc biệt, cuộc thi đã nhận được những bài viết bày tỏ nỗi mong nhớ quê nhà của các tác giả đang sinh sống, học tập, làm việc ở: Mỹ, Nga, Anh, Canada, Úc, Nhật Bản, Thái Lan.

Những trang viết đượm tình miền Trung ảnh 1 Ban tổ chức trao giải nhất cho tác giả Văn Hiến

Trải qua vòng sơ khảo, ban tổ chức đã chọn 46 tác phẩm vào vòng chung khảo với sự tham gia đánh giá của nhiều nhà văn, nhà thơ: nhà thơ Thanh Thảo, nhà văn Trần Thùy Mai, nhà văn Anh Khang…

Kết quả, ban tổ chức đã trao 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng cho tác phẩm Bóng râm giữa “sa mạc” (tác giả Văn Hiến), 1 giải nhì tác phẩm Một đời lá nén muối rang (Ny An). 3 tác phẩm đạt giải ba gồm: Nơi miền đất khát (Khánh Liên); Ai về Phan Thiết (Hoàng Mai); Mẹ gánh con đi (Trần Thị Tú Ngọc). Bên cạnh đó còn có 10 giải khuyến khích và giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất thông qua bình chọn trên mạng xã hội.

Những trang viết đượm tình miền Trung ảnh 2 Các tác giả nữ đạt giải cao gồm giải nhì và giải ba

Sau cuộc thi, ban tổ chức lựa chọn 100 bài viết tập hợp trong cuốn sách Thương nhớ miền Trung.

Mỗi bài viết như một lát cắt mang đến cho bạn đọc một khoảng lặng xúc động, để từ đó thấy rưng rưng chia sẻ, dù bạn có là người con của miền Trung hay không, có đang sống ở mảnh đất này hay không.

Trong cuốn sách, có hai chủ đề được những người viết chú trọng nhắc đến: địa hình khó khăn hiểm trở, thiên tai khí hậu khắc nghiệt và hình ảnh mẹ. Những “gió Lào cát trắng”, mùa “gió nam cồ”, lũ lụt… là tính chất khí hậu thường niên của dải đất miền Trung, vốn cũng là nguyên do hình thành nên chất giọng “khó nghe” nhưng là “đặc sản” riêng mà nhiều tác giả nói đến (Giọng Nghệ yêu thương - Cao Văn Quyền, Nhớ “xóm Quảng Ngãi” giữa Sài Gòn - Nguyễn Xuân Phương, Ngôn ngữ đất - Trần Quốc Toàn, Giọng nói - Trương Quốc Toàn…).

Những trang viết đượm tình miền Trung ảnh 3 Bìa cuốn sách Thương nhớ miền Trung

Nhưng trong chính những vất vả gian truân, những kỷ niệm, ký ức đượm buồn ấy, điều ta dễ dàng nhận thấy, bật lên là khí chất, sự can trường, nghị lực vượt khó của người dân dải đất này, và những bài học từ gian khó luôn gắn liền với hình ảnh người mẹ.

Đó là những người phụ nữ trong Ngóng biển (Lê Ngọc), là người mẹ tảo tần trong Những chuyến nguồn của mẹ (Phan Đình Dũng).

Sách do nhà xuất bản Hồng Đức phát hành.

Tin cùng chuyên mục