
Kỷ niệm 104 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lấy tên là Ba, làm phụ bếp trên tàu, đã bắt đầu bôn ba khắp các nước mang theo hoài bão tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân. Sau cuộc hành trình 30 năm qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, Người về nước, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. Vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã thay đổi, bước sang trang mới rạng rỡ.
1. Chiều 3-6-2015, mặc cái nắng đầu hè gay gắt, nhiều người vẫn đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM. Trong những phòng trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khách tham quan chăm chú nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về thời thơ ấu, quãng thời gian 30 năm hoạt động ở nước ngoài, những thành quả cách mạng Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Người: Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng, chống kẻ thù xâm lược, thống nhất nước nhà.
Dù đã nhiều lần đọc những câu chuyện này trên sách báo, nhưng lần đầu tiên được xem những tư liệu, hiện vật, hình ảnh tại nơi 104 năm trước Người rời Việt Nam tìm con đường cứu dân, cứu nước, chị Nguyễn Thị Huế (giáo viên Trường Tiểu học Bạch Đằng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) rất xúc động. Chị cho biết: “Tôi tự hào vì đất nước Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những câu chuyện được nghe chiều nay, tôi sẽ kể lại cho học sinh của mình”.

Đông đảo các em học sinh đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG
Ở gian phòng chuyên đề “Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình của thời đại”, nhóm bạn học sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận, TPHCM) cùng nhau trao đổi khi xem: mô hình tàu Amiral Latouche Tréville; nhà số 9 ngõ Compoint quận 17 Paris - nơi Nguyễn Ái Quốc ở từ 14-7-1921 đến 14-3-1923; nhà ngục Hồng Công - nơi Nguyễn Ái Quốc bị giam giữ từ năm 1931 đến năm 1933... “Vào đây, tụi con biết thêm những vất vả, gian lao Bác Hồ đã phải trải qua suốt mấy mươi năm ở nước ngoài để dân mình có cuộc sống độc lập, tự do như ngày hôm nay. Tụi con càng yêu kính Bác”, các em nói.
2. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giành độc lập tự do cho Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Giải phóng miền Nam là ước mơ cháy bỏng của Người, được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam nỗ lực thực hiện. Để chi viện con người, vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đường Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập.
Tại buổi hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” vừa được Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM phối hợp tổ chức, đại tá Trần Thanh Tâm (Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân) phát biểu nêu rõ, đường Hồ Chí Minh trên biển là dấu ấn tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào miền Nam trong cuộc trường chinh giữ nước. Ông khẳng định: “Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban lãnh đạo tối cao của Đảng, Nhà nước, quân đội ta. Những giá trị lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với miền Nam, là di sản tinh thần vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao truyền cho hậu thế”. Chỉ tiếc rằng, ngày thống nhất, đồng bào miền Nam không được đón Bác vào thăm và cũng không còn cơ hội được trao tấm Huân chương Sao Vàng cao quý cho Bác.
3. “Ý chí từ lòng yêu nước, tri thức từ 30 năm bôn ba hải ngoại, lý tưởng và phương thức cách mạng..., Bác đã cùng toàn dân không ngừng đấu tranh giải phóng dân tộc một cách kiên trì, gian khó và đầy sáng tạo”, Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ (nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) nhận xét. Từ thực tế hiện nay, theo Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ, không phải không có những kẻ thù hiềm với nước ta, tìm mọi cách dựng đứng các câu chuyện, bình luận méo mó các sự kiện liên quan đến cuộc đời hoạt động không ngơi nghỉ của Bác; phê phán các chính sách, việc làm còn hạn chế, thiếu sót của cán bộ ta thời nay để quy kết có lợi cho họ. “Nhưng vàng ròng không sợ lửa nung. Chân dung, hình tượng của Bác luôn là tấm gương soi cho mỗi một người dân có tấm lòng vì nước quên thân. Đấu tranh với yếu kém, thiếu sót thì thực tế giai đoạn nào cũng có và chế độ nào cũng có. Vấn đề là chúng ta nhìn ra chân lý và thực tế từ phương pháp luận đúng đắn như Bác đã làm thành công, từ đó đưa đất nước ta tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ nhấn mạnh.
ÁI CHÂN