Nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Trong năm 2022, nhất là nửa cuối năm, tình hình thế giới với những xung đột căng thẳng cùng một số biến động của tình hình trong nước, dẫn đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Người dân, doanh nghiệp ở TPHCM đang nỗ lực vươn lên và rất cần được hỗ trợ, chăm lo để vượt qua những khó khăn mà theo dự báo không chỉ diễn ra ngày một ngày hai.

Kinh tế phục hồi, nhưng còn nhiều lo lắng

Một ngày cuối tuần đầu tháng 12, dãy phòng trọ tại đường số 1, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức không nhộn nhịp như những cuối tuần trước đó. Ngày trước, cứ cuối tuần, vài ba phòng thân nhau lại hùn tiền cùng đi chợ nấu ăn, những phòng có trẻ con thì rủ nhau làm bánh, chiên gà.

Tiếng cười nói rôm rả giúp xua tan những mệt nhọc của cuộc sống ngột ngạt nơi phòng trọ chật hẹp. Các phòng vẫn kín người ở nhưng ai nấy mặt buồn so, ít giao lưu qua lại. Khi chúng tôi để cập đến cái tết đang cận kề, có người nửa đùa nửa thật “lại một cái tết bánh chưng không thịt rồi”.

Chị Nguyễn Thùy Trang, công nhân một công ty trong Khu chế xuất Linh Trung 1, cho biết, trước tình hình nhiều công ty giảm đơn hàng, cắt hợp đồng của người lao động, chị và nhiều công nhân trong khu trọ rất lo lắng. Chị Trang tâm sự: “Công ty chưa có kế hoạch cho công nhân nghỉ việc nhưng đơn hàng giảm rõ rệt, cố gắng lắm thì công ty cũng chỉ bố trí cho làm đủ ngày, không tăng ca, không làm thứ bảy, chủ nhật nên tết năm nay được lãnh lương và giữ được việc là mừng, không dám trông chờ vào tiền thưởng tết”.

Chị Trang chia sẻ, bản thân còn độc thân nên tết nhất cũng có thể đại khái được, nhưng ở xóm trọ, nhiều người gởi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, chỉ mong đến tết có đầy đủ lương, thưởng để mua bộ quần áo mới, vài món đồ chơi, bánh mứt về ăn tết cùng con. Với tình hình này, nhiều người có lẽ phải về tay không với đám nhỏ.

Nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ảnh 1 Người lao động tại Công ty cổ phần In số 7 an tâm làm việc khi đơn vị công bố mức thưởng tết sớm. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Trong lúc đó, chị Trịnh Thúy Hiền, 32 tuổi, là nhân viên văn phòng ở quận 8, trở về nhà khi trời đã tối muộn, với lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe máy. Chị than phiền: “Bây giờ cầm một triệu đồng đi chợ chẳng mua được bao nhiêu. Từ thịt cá tới rau củ, giá đã lên rồi là không thấy xuống nữa”.

Chị cảm thấy những khó khăn của đời sống kinh tế xã hội đã thấm rất sâu vào đời sống của gia đình. Chị Hiền nói, triệt để mọi thứ phải tiết kiệm hơn, thắt lưng buộc bụng hơn. Ngay cả việc học thêm của con cũng phải nghỉ bớt đi mỗi đứa 1-2 môn cho đỡ tốn kém.

Nỗ lực chăm lo và vượt khó

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phạm Chí Tâm cho biết, do tình hình thế giới và ảnh hưởng của lạm phát, giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm, một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng mới, giảm đơn hàng, nhất là các ngành chế biến gỗ, da giày, dệt, may...

Điều này ẫn đến doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm 2023, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 155 doanh nghiệp, 50.157 người lao động bị ảnh hưởng. Dự báo tết năm nay, có những doanh nghiệp sẽ không có tiền thưởng tết, lương tháng 13 cho người lao động. Những khó khăn, biến động trong công việc, đời sống của lực lượng công nhân đang kéo theo ảnh hưởng không nhỏ tới toàn xã hội.

Lo âu của nhiều người lao động trong những ngày này đã phản ánh một phần bức tranh nhiều biến động của tình hình trong nước và thế giới cuối năm 2022. “Lãnh đạo TPHCM đã nhìn thấy những khó khăn này từ rất sớm. Từ đầu tháng 11, Thường trực Thành ủy TPHCM đã họp đánh giá tình hình”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ như vậy trước người dân TPHCM.

Nhìn nhận tình hình đang khó khăn ở một số lĩnh vực, nhưng đồng chí Phan Văn Mãi cũng nhận định, thời điểm gần tết cũng có nhiều lĩnh vực cần thêm lao động như mảng dịch vụ. TPHCM cũng chuẩn bị chính sách để chăm lo cho công nhân mất việc, giãn việc. Trong đó, Liên đoàn Lao động TPHCM cũng chuẩn bị ngân sách khoảng 150 tỷ đồng để chăm lo cho công nhân khó khăn trong dịp tết sắp tới.

Chia sẻ tại kỳ họp thứ 8 HĐND khóa X, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cũng dự báo năm 2023, TPHCM có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó dự đoán. Do đó, TPHCM đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế; ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, UBND TPHCM đề xuất thực hiện chủ đề năm 2023 là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.

Đó cũng là mong mỏi của người dân. Bởi, với những chính sách đồng hành, hỗ trợ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp TPHCM sẽ đủ sức phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của mình, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Tin cùng chuyên mục