“Theo tính toán, số nợ xấu còn lại rất lớn. Nếu dân hỏi chừng nào chúng ta thu xong khoản nợ này thì trả lời thế nào đây, khi trong nợ xấu này có tiền đóng góp của nhân dân rất lớn?”. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM, chất vấn Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TPHCM với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM vào ngày 17-10.
Nợ xấu - có thật sự là 3,8%?
Liên quan đến tình hình nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu, báo cáo tại buổi làm việc, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM, thông tin, đến ngày 31-8-2016, tổng nợ xấu trên địa bàn TPHCM chiếm 3,8% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Trong khi tỷ lệ này hồi cuối năm 2015 là 3,92%. Về kết quả xử lý nợ xấu, trong 8 tháng đầu năm nay, trên địa bàn đã xử lý được hơn 35.000 tỷ đồng; trong đó thu nợ bằng tiền là 16.312 tỷ đồng. Ông Tô Duy Lâm nhìn nhận nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn.
Trước báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, ĐB Ngô Minh Châu phân tích: 1 năm kéo giảm nợ xấu chỉ được 0,12%, trong khi chúng ta đang ở mức tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,8% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Như vậy bình quân phải 4 năm nữa chúng ta mới kéo giảm được nợ xấu về mức cho phép dưới 3%. ĐB Ngô Minh Châu cũng lo lắng trước báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho rằng nợ xấu liên quan đến các vụ án chiếm tỷ trọng cao, chiếm đến 48,8% trong tổng nợ xấu. Đây là những khoản nợ xử lý rất khó khăn, trong thời gian qua khoản nợ này vẫn chưa xử lý thu hồi được. ĐB Ngô Minh Châu phản ánh, vấn đề nợ xấu hiện nay cử tri quan tâm và rất bức xúc tại các buổi tiếp xúc cử tri. Để giải quyết nợ xấu, ĐB Ngô Minh Châu cho rằng, ngành ngân hàng tại TPHCM cần đánh giá rõ nguyên nhân, đâu là sơ hở của pháp luật, đâu là thủ đoạn của các đối tượng lấy vốn của ngân hàng ra?... “Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề mới có giải pháp đúng”, ĐB Ngô Minh Châu thẳng thắn. Theo ông, đặt trường hợp pháp luật có sơ hở nhưng nếu cán bộ ngân hàng không tiếp tay thì cũng không đến nỗi nào. Trong khó đó, ĐB Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, đặt vấn đề: tỷ lệ nợ xấu hiện nay có phải thật sự là 3,8%?
Ai chịu trách nhiệm nợ xấu?
Cùng bức xúc trước tỷ lệ nợ xấu còn cao, ĐB Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, gợi ý ngành ngân hàng TPHCM nên kiến nghị cụ thể đối với các vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật để ngành ngân hàng có được “lá bùa hộ mệnh” mở ra các giải pháp. Cùng lo lắng tỷ lệ nợ xấu còn cao, vượt chuẩn, ĐB Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, đề nghị làm rõ nợ xấu còn tồn đọng nhiều trong ngành nào, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản là bao nhiêu? ĐB Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP, hỏi: đã giám sát kỹ nợ xấu chưa và ai chịu trách nhiệm về nợ xấu?
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, yêu cầu ngành ngân hàng TPHCM tích cực xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong đó phân tích đánh giá xem thực chất nợ xấu của chúng ta hiện nay là bao nhiêu. Ngoài ra, đồng chí Đinh La Thăng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM phân tích kỹ hơn về tăng trưởng tín dụng gắn với tăng trưởng kinh tế. “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, các hiệp định thương mại có hiệu lực, TPHCM đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu, nhân công giá rẻ, giảm lệ thuộc vào vốn đầu tư để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, nâng cao chất lượng tăng trưởng nên ngành ngân hàng cần đánh giá đầy đủ chất lượng tăng trưởng tín dụng có gắn với chất lượng tăng trưởng kinh tế hay không”, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Đồng chí Đinh La Thăng lưu ý ngành ngân hàng cố gắng khôi phục niềm tin để người dân tham gia gửi tiền vào ngân hàng, mặc dù vấn đề này có trách nhiệm của các cấp chính quyền. “Trong 9 tháng đầu năm nay, TPHCM có đến 5 tỷ USD từ nước ngoài gửi về, đây là số tiền rất lớn. Do vậy cần làm thế nào đó để tạo dựng niềm tin huy động được nguồn vốn này ra xã hội để đầu tư phát triển”, đồng chí Đinh La Thăng chỉ đạo. Cùng với đó, đồng chí Đinh La Thăng cũng yêu cầu ngành ngân hàng TP tiếp tục quan tâm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tăng trưởng tín dụng đạt 13,26%
Đánh giá tình hình hoạt động của ngân hàng trên địa bàn TPHCM 9 tháng đầu năm 2016, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết, hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn TP tiếp tục ổn định và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu về vốn, dịch vụ ngân hàng cho kinh tế TP. Trong đó, một số chỉ số cơ bản về tín dụng, huy động vốn đạt mức tăng cao so với những năm trước đây. Cụ thể, vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 11,37%; dư nợ tín dụng tăng 13,26%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đây. Cạnh đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định. 2 yếu tố thị trường là lãi suất và tỷ giá diễn biến tích cực, ổn định. Các dịch vụ ngân hàng cũng phát triển, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng điện tử. Đối với hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt, 9 tháng đầu năm đã thực hiện cho vay doanh nghiệp đạt 178.117,76 tỷ đồng với hơn 19.000 khách hàng. Ông Tô Duy Lâm nhận định, trong thời gian tới, lãi suất và tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Dự báo diễn biến USD cũng không có biến động lớn.
Vân Anh