Đường sách hoạt động cố định
Thời gian qua, nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa đọc sách ở TPHCM được đánh giá là tiên phong trong cả nước như hội sách, đường sách tết… Trong thành công đó, những người yêu sách bắt đầu nhắc đến một đường sách thực thụ, cố định - một trong những giấc mơ của những người yêu sách. Tại Ngày sách Việt Nam vừa qua, lần đầu tiên, đường sách được bàn bạc, trao đổi một cách chính thức.
Thêm một con đường văn hóa
Khi nhắc đến đường sách ở TP, hầu hết những người yêu sách đều nhớ đến con đường Đặng Thị Nhu (góc đường Ký Con, Calmette, quận 1) từng tồn tại từ trước năm 1975 cho đến tận cuối những năm 80. Với nhiều lý do khách quan, con đường sách Đặng Thị Nhu dần tan rã, người bán sách “tan đàn xẻ nghé” về nhiều con đường khác và dần dần, khái niệm đường sách không còn nữa.
Dự kiến đường sách với các gian sách đặt giữa đường, bạn đọc đi bộ hai bên chọn mua sách.
Nhà báo Lê Văn Nghĩa cho rằng, ở thành phố đã có đường ẩm thực, đường đồ cổ, đường du lịch… thì việc có một con đường sách đậm nét văn hóa là một điều tất yếu. Nhà báo còn nêu những vấn đề mà đường sách sẽ đem lại cho thành phố như an ninh trật tự được bảo đảm, kéo giảm các loại sách lậu, sách trái phép do thường xuyên giám sát, kiểm tra. Đường sách cũng sẽ đem đến hiệu quả kinh tế khi góp phần tăng giá trị du lịch trong khu vực, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Cuối cùng là vấn đề văn hóa khi con đường sách góp phần mang lại một không gian văn hóa đọc sách riêng bên cạnh các không gian văn hóa có sẵn như lịch sử (Hội trường Thống Nhất), tôn giáo (Nhà thờ Đức Bà), kiến trúc (Bưu điện TP)… Nhà báo Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh: “Với đường sách, thành phố sẽ mất đi một con đường “vô hồn” và có thêm một con đường văn hóa”. Theo ông Lê Văn Nghĩa lý giải, đường Nguyễn Văn Bình là con đường rất đẹp vì ở vị trí trung tâm đồng thời có không gian xanh bóng mát nhưng đây cũng là con đường khá vắng vẻ vì một bên là mặt sau UBND quận 1, một bên là hông Bưu điện TP. Chính vì vậy dù nằm ở trung tâm TP nhưng con đường này luôn khá vắng vẻ, đôi lúc còn được tận dụng làm nơi để xe.
Phải đem lại lợi ích kinh tế
Có mặt trên con đường Nguyễn Văn Bình trong Ngày sách Việt Nam lần thứ 2, tất cả những người được hỏi đều ủng hộ một con đường sách tại đây. Tuy nhiên, khi bàn đến việc con đường này sẽ hoạt động như thế nào thì câu trả lời lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Có một số người cho rằng, nên lấy hình mẫu phố sách Đinh Lễ tại Hà Nội, tức là bán mọi loại sách và trong đó dĩ nhiên có cả sách mới. Nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực phát hành phản bác điều này. Họ cho rằng làm theo kiểu Đinh Lễ là đi ngược sự phát triển, hiện nay sức mua tại Đinh Lễ đang giảm khi người dân Hà Nội đang dần quen với các hệ thống nhà sách hiện đại, sang trọng và tiện nghi. Đường Nguyễn Văn Bình dài chỉ hơn 100m, phần lớn sẽ dành cho đi bộ, các quầy hàng dự kiến đều nhỏ, hẹp nên thật vô lý khi phải thuyết phục bạn đọc TPHCM đến các cửa hàng sách nhỏ tại đây để mua những cuốn sách mà họ dễ dàng tìm thấy tại các nhà sách.
Nhà báo Lê Minh Quốc nhấn mạnh, với đường sách, vấn đề kinh tế phải được đặt ra hàng đầu, nếu không, sẽ không thể duy trì lâu. Ông Lê Minh Quốc lấy ví dụ, phố đèn lồng ở Hội An, ban đầu dân phản đối vì bất tiện nhưng về sau, khi thấy hiệu quả kinh tế rõ ràng với việc du khách đến đông, người dân đã chuyển qua ủng hộ và phố đèn lồng trở thành một nét độc đáo ở Hội An. Với đường sách, nếu không có mô hình hoạt động hiệu quả, không đem lại lợi ích kinh tế, sẽ chẳng đơn vị, cá nhân nào trụ lâu dài và đường sách sẽ mau chóng “chết yểu”.
Ông Lê Nguyên Đại, chủ Nhà sách Thời Đại, một người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh sách tại thành phố cho rằng cần mời các chủ nhà sách đến để đặt một câu hỏi cho họ: “Con đường này, gian hàng này, các anh sẽ kinh doanh sách gì, cần hỗ trợ gì?”. Với khả năng kinh doanh, nắm bắt thị trường, họ sẽ biết phải làm gì để đem lại hiệu quả. Và khi kinh tế được đảm bảo, các hoạt động khác sẽ có điều kiện thực hiện như giao lưu tác giả, tác phẩm, triển lãm, quảng bá sách…
Bài học chợ đêm
Bên cạnh sự hân hoan khi ước mơ về một con đường sách đang thành hình, nhiều người cũng nhìn vào hiện thực để thấy được những khó khăn. Ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV NXB Trẻ, cho biết, ưu điểm của đường sách Nguyễn Văn Bình là không có nhà dân nên việc ngăn đường làm phố đi bộ cho đường sách dễ dàng. Thế nhưng, đó cũng đồng thời là nhược điểm vì đồng nghĩa không có cơ sở hạ tầng. Các phố sách, đường sách trước đây đều dựa vào các nhà dân. Họ trực tiếp hoặc cho thuê kinh doanh sách, kinh doanh dịch vụ đi kèm. Ngược lại, do không có cư dân nên mọi chuyện phải làm từ đầu. Như việc để đáp ứng nhu cầu hoạt động thường xuyên, sẽ phải xây dựng hệ thống cấp, thoát nước; điện; thu thuế; trật tự…
Cũng vì vậy, ông Lê Nguyên Đại đề xuất trước mắt nên học cách làm của chợ đêm. Đường sách sẽ được mở vào những ngày cuối tuần với các gian hàng mang tính cơ động. Ai có nhu cầu bán hay trao đổi sách thì đăng ký và mang sách đến. Cách làm này góp phần tạo thói quen cho bạn đọc, đồng thời giúp những người bán sách hiểu được nhu cầu của người mua, người quản lý nắm được phương thức hoạt động… Từ đó các sai sót, chệch choạc sẽ được hiệu chỉnh để có một đường sách đúng nghĩa.
TƯỜNG VY