Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định rút khỏi INF hôm 1-2. Ngày hôm sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có hành động tương tự. Điều này dẫn đến giai đoạn đàm phán kéo dài 6 tháng, trong đó Mỹ và Nga có thể cố gắng giải quyết sự khác biệt trước khi rút toàn bộ khỏi INF.
INF lần đầu tiên ra đời khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev ký thỏa thuận vào ngày 8-12-1987. Động thái này là một phần trong nỗ lực của họ nhằm loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Từ INF, dẫn đến các hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I, START mới) và các bước tương hỗ hướng tới loại bỏ một phần đáng kể của tất cả các vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mỹ và Nga đã sửa đổi các học thuyết quân sự để giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân, cắt giảm hơn 80% so với thời điểm cao nhất của họ trong thời chiến tranh lạnh.
Mỹ và Nga có thể đã tính toán để rút khỏi INF nhằm tạo lợi thế chiến lược. Tuy nhiên, việc rút khỏi INF cuối cùng sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn lớn hơn. Nên nhớ rằng INF ra đời trong bối cảnh chiến tranh lạnh còn tồn tại và vì vậy phần nào làm giảm bớt căng thẳng giữa Nga và phương Tây, nhất là các nước châu Âu.
Giờ đây, hơn ai hết, các nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu cảm thấy lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ. Các nghị sĩ EP cũng đã thông qua một nghị quyết về tương lai của INF và tác động đối với EU. EP lưu ý rằng INF tồn tại hơn 3 thập niên đã góp phần kiềm chế cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô, và sau đó là Nga, để duy trì sự ổn định trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh. Họ nhấn mạnh rằng châu Âu là nơi thụ hưởng chính của INF - nền tảng cơ bản trong việc bảo vệ an ninh của khối này.
Nguy hiểm hơn là sự sụp đổ của INF diễn ra trong bối cảnh giữa phương Tây và Nga đang gia tăng căng thẳng trong những năm gần đây và khi cả NATO và Nga đang tăng cường các hệ thống tên lửa dọc theo biên giới hai bên. Các quan chức bộ quốc phòng và tình báo Nga đã nhiều lần đưa ra quan ngại về việc NATO phát triển hệ thống radar cảnh báo sớm ở Đông Âu, một hệ thống có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa từ Vịnh Persic đến biển Barents. EU tỏ ra mất tinh thần trước sự thay đổi nhanh chóng của các sự kiện ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quan trọng nhất của họ, cũng như an ninh và hòa bình, xoay quanh 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Theo các nghị sĩ EP, EU lo ngại các phản ứng của cả Moscow và Washington có thể dẫn đến tính toán sai lầm, gây hại cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Điều này có nghĩa sự leo thang là không thể tránh khỏi, căng thẳng và các mối đe dọa quân sự và hạt nhân tăng cao, cùng với đó là sự ra đời của một cuộc chạy đua vũ trang mới. Châu Âu sẽ trở nên bất lực về mặt quân sự theo kịch bản như vậy.