
Đến phòng khám Mai Khôi vào những ngày đầu tuần, bạn sẽ gặp những hình ảnh cảm động - những người nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS còn khỏe mạnh đang nâng đỡ, dìu dắt những bệnh nhân yếu hơn mình vượt qua bệnh tật. Những điều dưỡng viên không chuyên này được đào tạo sơ cấp để chăm sóc những người bạn đồng cảnh ngộ.
Họ làm việc rất chăm chỉ và không hề ngơi tay. Vừa thay băng, chích thuốc, họ vừa ân cần hỏi thăm nhau về tình trạng sức khỏe, số lượng CDH (control Disease Cutre), cùng những nỗi buồn mà họ đang phải đối mặt. Ở phòng Laser, kỹ thuật viên đã qua lớp tham vấn giảm sốc - nhẹ nhàng vấn an từng bệnh nhân trải qua 20 phút điều trị Laser. Tại phòng khám, bác sĩ Kim Thanh cũng ân cần dặn dò bệnh nhân trẻ lỡ vướng vào ma túy và mang căn bệnh chết người: “Khỏe lên, con phải nói lời xin lỗi cha mẹ vì đã làm họ khổ.
Con cũng phải nói thêm lời cảm ơn vì họ luôn đồng hành cùng bệnh tật của con và lo lắng, chăm sóc cho con”. Bước vào tuổi 60, thay vì chọn sự an nhàn, nghỉ ngơi, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh vẫn dành trọn 8 giờ vàng ngọc cho bệnh nhân nghèo, những người nhiễm HIV/AIDS ở phòng khám từ thiện Mai Khôi (P7 Q3 TPHCM). Ngoài ra, hàng tuần bác sĩ Kim Thanh còn dành thời gian đến phòng khám đa khoa Xóm Mới (Gò Vấp), phòng khám Camilô Q3 để khám bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân nghèo. Bác sĩ Kim Thanh không nhận rằng mình đang làm việc tốt, mà khiêm tốn nói rằng: “Khi vẫn còn nhiều người bệnh quá khổ thì mình phải giúp họ vượt qua nỗi đau”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh đang khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Về hưu năm 2004, bác sĩ Kim Thanh xin mở phòng mạch tư (số 44 đường Tú Xương P7 Q3 TPHCM) không vì kế sinh nhai, mà chỉ muốn đem chương trình phòng chống lao quốc gia đến tận tay người nghèo, người vô gia cư nhiễm HIV/AIDS. Đây cũng là dự án mà bác sĩ đã theo đuổi từ khi còn công tác ở Trạm chống lao Q1 TPHCM.
Được sự trợ giúp tận tình của đồng nghiệp, bạn bè ở các bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bình Dân, Nhân dân Gia Định và Pháp Việt về nhân sự, sự chia sẻ kinh phí mặt bằng của giáo dân hạt Tân Định (Q1, Q3) và Tu viện Mai Khôi, phòng mạch tư khám bệnh từ thiện đã ra đời, hoạt động phi lợi nhuận. Sau đó, để hoạt động phục vụ bệnh nhân tốt hơn, phòng mạch tư này chuyển thành phòng khám từ thiện Mai Khôi. Suốt 4 năm qua, với mục đích nhân đạo, phòng khám đã tạo cơ hội khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người nhiễm HIV ở TPHCM.
“Bệnh lao đang quay lại cùng đại diện HIV/AIDS” không là một dự báo suông của Tổ chức Y tế thế giới mà được minh chứng rành rọt bằng những con số tăng theo cấp số nhân về lao mới, lao kháng thuốc trên cộng đồng cư dân còn trẻ. Những ngày đầu mới đi vào hoạt động (tháng 12-2004), phòng mạch tư chỉ quản lý 30 - 40 bệnh nhân lao, nay con số này đã tăng lên 500 người nhiễm HIV.
Nhiều bệnh nhân đã tìm đến đây để được điều trị nhiễm trùng cơ hội, điều trị Laser tần số thấp nhằm tăng cường hệ miễn dịch. Để phục vụ người nhiễm HIV tốt hơn, phòng khám từ thiện Mai Khôi mở rộng thêm các hoạt động tham vấn thay đổi hành vi, theo dõi, chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cấp thuốc miễn phí theo chương trình CDC, điều trị Laser tần số thấp và tăng cường mảng vãng gia chăm sóc cuối đời. Cùng với các khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận - huyện, phòng khám từ thiện Mai Khôi đang là điểm hẹn, nơi nương tựa của những người nhiễm HIV/AIDS. Họ tìm đến đây để được sẻ chia, vượt qua bệnh tật và nuôi dưỡng niềm hy vọng được kéo dài sự sống.
BÍCH ĐÀO (P12 Q8 TPHCM)