Nóng “bảo kê” ngư trường, “phân lô, bán nền” trên biển

Thời gian qua, trên vùng biển Tây Nam xuất hiện một số băng nhóm hoạt động theo kiểu giang hồ, tổ chức bao chiếm, “phân lô, bán nền” ở những khu vực có trữ lượng hải sản nhiều. Ngư dân muốn vào các khu vực này khai thác, đánh cá, câu mực… phải đóng “tiền chết” theo quý, năm.

Tàu KG-62299-TS, 1 trong 3 tàu cá bị tấn công bằng bom xăng và súng tự chế trên vùng biển Cà Mau
Tàu KG-62299-TS, 1 trong 3 tàu cá bị tấn công bằng bom xăng và súng tự chế trên vùng biển Cà Mau

Tình trạng này kéo dài nhiều năm, ngư dân nhiều lần kêu cứu đến chính quyền, ngành chức năng địa phương, song đến nay chưa được xử lý triệt để. Đã có nhiều tàu cá của ngư dân bị các đối tượng, băng nhóm tấn công bằng súng, bom xăng khi đánh bắt ở “vùng cấm”.

Ngư dân bị tấn công bằng súng, bom xăng

Gần một tháng trôi qua, nhưng đến nay anh Nguyễn Trọng Phú (sinh năm 1986, ngụ phường Bình San, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), thuyền trưởng tàu cá KG-62299-TS và các bạn tàu vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ việc bị một băng nhóm tấn công khi đang khai thác hải sản trên biển.

Theo anh Phú, khoảng 1 giờ 45 ngày 8-11-2023, tàu cá của anh cùng với 2 tàu cá khác là KG-94839-TS và KG-92790-TS khai thác hải sản trên biển tại tọa độ 8o56’50’’ độ vĩ Bắc - 104o12’50’’ độ kinh Đông thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau. Lúc này, bất ngờ có 2 tàu vỏ composite và 1 ghe cào ốc lao tới, trên tàu có nhiều đối tượng cầm súng.

“Bọn chúng yêu cầu tụi tôi xếp lưới, không được đánh cá ở khu vực này. Tôi nói mấy anh nói chuyện vô lý, tụi tui đánh cá ở vùng biển hợp pháp, mấy anh ở đâu đến đây ngăn cản. Tôi vừa dứt lời thì một trong số họ ném bom xăng lên tàu của tui”, anh Phú kể.

Chưa dừng lại, khi nghe anh Lê Thành Việt (một ngư dân trên tàu của anh Phú) gọi bộ đàm thông báo cho tàu cá khác đến hỗ trợ, nhóm đối tượng đi trên tàu composite lấy súng bắn (loại súng tự chế bắn đạn chì) khiến anh Việt bị thương nặng ở chân phải. Thấy tàu cá của anh Phú bị cháy, tàu cá KG-94839-TS do anh Bùi Văn Nguyên (sinh năm 1972, ngụ phường Tô Châu, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng đang khai thác gần đó đến hỗ trợ dập lửa. Thấy vậy, nhóm đối tượng đi trên tàu composite lấy súng bắn về phía tàu KG-94839-TS làm ngư dân Nguyễn Văn Mẫn (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Hậu Giang) đi trên tàu này bị thương ở chân trái.

“Trước khi rút đi, bọn chúng còn hăm dọa, nếu còn khai thác ở khu vực này, sẽ bị bắn lủng sọ, đốt cháy cả tàu”, anh Phú nói.

Trong rạng sáng 8-11, nhóm đối tượng trên cũng điều khiển tàu đến tấn công tàu cá KG-92790-TS bằng súng. Sự việc làm 1 ngư dân trên tàu cá là anh Đoàn Văn Đầy (sinh năm 2003, ngụ xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) bị thương ở mặt.

Trước đó không lâu, trên biển Tây (Cà Mau), nhiều tàu câu mực của ngư dân Cà Mau đang hoạt động tại tọa độ 8o47’50’’ độ vĩ Bắc - 104o19’50’’ độ kinh Đông, bất ngờ bị một số đối tượng đi ghe đến cản trở, yêu cầu đi nơi khác khai thác. Khi các ngư dân không thực hiện theo yêu cầu, nhóm đối tượng liền đưa ghe cào chạy thẳng vào khu vực câu, làm đứt dàn ốc câu mực của ngư dân đang thả. Bức xúc, các ngư dân câu mực chống trả, nhóm đối tượng trên đã huy động đồng bọn với hơn 20 tàu ra tấn công làm hư hỏng các tàu câu mực.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, ngày 15-11, ông đã chỉ đạo công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc nêu trên theo quy định; đồng thời lên kế hoạch tuần tra, xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng các băng nhóm, đối tượng “phân lô, bán nền”, đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác hải sản trên biển.

Sẽ xử lý triệt để

Theo các ngư dân, tình trạng các băng nhóm hoạt động theo kiểu giang hồ, tổ chức bao chiếm, “phân lô, bán nền” trên biển Tây Nam tồn tại nhiều năm qua. “Trước đây, chúng thả lưới xí phần những khu vực có trữ lượng hải sản lớn (chủ yếu là cá, mực). Bây giờ, bọn chúng ngang nhiên hơn khi khỏi thả lưới, chỗ nào cũng bảo của bọn chúng. Tàu của ngư dân nào muốn đến khu vực đó khai thác phải đưa tiền “xâu”, từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tàu/ ngày”, ông Thành, một ngư dân ở U Minh (Cà Mau) cho hay.

Theo ông Thành, hầu hết ngư dân ở địa phương (Cà Mau) đều biết kiểu làm ăn này của các băng nhóm nhưng ngại ý kiến, không dám phản ánh đến cơ quan chức năng, vì sợ bị trả thù. Một số chủ tàu cá khi thấy con nước lên, cá nhiều, hay thời điểm có mực nhiều đành chấp nhận “đóng hụi chết” vài triệu đồng để được khai thác, còn bình thường thì né tránh, không muốn dính líu tới các băng nhóm.

“Tàu cá bị các băng nhóm tấn công thường là tàu cá “mồ côi”, tàu đánh cá đơn lẻ, không đóng tiền cho các băng nhóm trước khi khai thác. Các đối tượng giang hồ trên biển rất manh động, có trường hợp ngư dân bị bắn phải vào bờ cấp cứu”, ông Thành nói.

Điều khiến giới nghề cá ở Cà Mau và Kiên Giang bức xúc hơn là đã có nhiều vụ ngư dân bị các băng nhóm giang hồ trên biển tấn công được báo đến các cơ quan công an, biên phòng nhưng không được xử lý rốt ráo, dứt điểm để răn đe, đảm bảo quyền lợi chính đáng, an toàn cho ngư dân trong quá trình đánh bắt.

Ông Phạm Văn Đồng (chủ tàu cá KG-94839-TS, quê Kiên Giang) cho biết, sau khi bị các băng nhóm tấn công vào ngày 8-11, hiện nay các ngư dân trên tàu của ông không dám ra khơi đánh bắt cá.

“Tôi làm đơn trình báo vụ việc đến Công an tỉnh Cà Mau, Bộ đội Biên phòng Cà Mau. Sau đó, cán bộ công an và viện kiểm sát có đến xác minh, kiểm tra, lấy một số viên đạn do các đối tượng bắn ghim trên tàu. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tháng nhưng vẫn chưa thấy cơ quan điều tra khởi tố vụ án, có phản hồi cho người trình báo”, ông Đồng bức xúc.

Tin cùng chuyên mục