Nông dân đời mới

- Cơn dịch kéo dài giống như cơn bão mạnh khiến bao nhiêu người khốn đốn và nông dân là bộ phận bị tổn thương nhiều nhất. Đầu ra cho nông sản đình đốn, sản xuất te tua, lượm bạc cắc cũng khó. Ngay cả các loại cây trái đặc sản vốn ngồi “mâm trên”, đợt rồi cũng xính vính.

- Vậy bài học thấm thía là gì?

- Chính người sản xuất đã sáng ra về cái yếu của chính mình. Xưa giờ phần lớn nông dân chỉ cắm cúi làm lụng, đầu ra phó thác cho thương lái. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp lại triền miên. Bán cho thương lái gom hàng bán sang Trung Quốc thì phập phù, nhiều chiêu trò cay đắng. Bởi vậy, bài học gan ruột là phải chủ động được đầu ra.

- Vậy không lẽ nông dân đều phải trở thành thương lái?

- Đổi vai kiểu vậy chỉ thêm rối. Cái cốt lõi là canh tác phải đạt chuẩn, để chất lượng sản phẩm đảm bảo ngon lành. Đầu ra vững nằm ở hợp đồng bao tiêu, dù là cho thị trường nội hay xuất khẩu. Nhà nông cần liên kết sản xuất để tạo thành vùng nguyên liệu lớn. Từ đầu vô đến đầu ra phải nối kết mượt mà thì người sản xuất mới ấm bụng. 

- Làm được vậy thì phải đồng lòng chuyển đổi cả tập quán canh tác, bán hàng. Nhưng cũng chỉ có vậy mới khiến thu nhập của nhà nông chắc như bắp. Có đáp ứng quy chuẩn cao mới tạo ra những nông dân đời mới.

Tin cùng chuyên mục