Nông nghiệp hữu cơ trên hành trình chinh phục thị trường: “Vàng thau lẫn lộn”, chứng nhận bát nháo

Mặc dù kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng mấy năm qua gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng thực tế nhu cầu mua nông sản hữu cơ (NSHC) vẫn rất cao. Tuy vậy, thị trường của các loại sản phẩm này vẫn khó phát triển vì “vàng thau lẫn lộn” do NSHC không chỉ bị làm giả, làm nhái mà còn thiếu nhiều tiêu chí cụ thể, rõ ràng để khẳng định chất lượng.

Công nhân canh tác, chăm sóc và thu hoạch rau hữu cơ tại Nông trại GenXanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC
Công nhân canh tác, chăm sóc và thu hoạch rau hữu cơ tại Nông trại GenXanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC

Khó phân biệt thật, giả

Chị Nguyễn Thu Hà, chủ một trang trại ở huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, sở dĩ người tiêu dùng nghi ngại, e dè với NSHC vì không biết đâu là thật, đâu là giả. Còn chị Trần Thị Thu Hường (TP Thủ Đức, TPHCM), một người tiêu dùng đã sử dụng NSHC từ nhiều năm nay nhưng thừa nhận chủ yếu mua hàng theo sự giới thiệu của người quen, “ăn thấy được” thì mua tiếp chứ không dám chắc đã mua được NSHC thật 100%. “Người bán có thể dán nhãn là sản phẩm hữu cơ, nhưng trong gói rau, củ đó trộn lẫn ít rau, củ thường (không trồng theo phương thức hữu cơ), chẳng ai biết được. Lâu lâu trên mạng hay báo chí có khui ra vườn này, trang trại kia trồng nông sản không đúng quảng cáo thì mình tránh không mua nữa”, chị Hường nói. Nhiều người tiêu dùng khác cũng cho rằng, những vụ “khui” thực phẩm không minh bạch thời gian qua trên mạng xã hội là cần thiết để sự thật được sáng tỏ. Nhưng cũng chính từ những vụ việc đó, nhiều người tiêu dùng không còn quá tin vào những sản phẩm được giới thiệu, quảng cáo là hữu cơ, an toàn. Từ thực tế làm trang trại, chị Nguyễn Thu Hà cho rằng, có những cơ sở canh tác ban đầu có thể làm hữu cơ thật, nhưng sau lại tự “đánh mất mình” vì chạy theo lợi nhuận, lén lút sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ cỏ dại, sâu bệnh… để tăng năng suất.

TS Nguyễn Đức Chinh, chủ nông trại GenXanh (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) chia sẻ, hiện ở Việt Nam có 2 loại chứng nhận tiêu chuẩn: một do trung tâm của Việt Nam cung cấp và một do các tổ chức của nước ngoài cung cấp. Mặc dù đều là các tổ chức do nhà nước cho phép đánh giá, nhưng hiện nay số lượng tổ chức, trung tâm được cấp phép chứng nhận sản phẩm hữu cơ quá nhiều và không phải trung tâm nào cũng làm việc một cách trung thực, nghiêm túc. Trên thị trường và ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng rau củ được cấp chứng nhận đạt chứng nhận nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì không đạt. Chưa kể, chi phí dịch vụ chứng nhận cũng rất bát nháo, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Giám đốc một hợp tác xã sản xuất NSHC ở Lào Cai cũng thông tin, đang có tình trạng trung tâm chứng nhận chất lượng NSHC nhiều và “thả cửa”. Hậu quả là cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng không biết lựa chọn đơn vị nào, tổ chức nào chứng nhận là uy tín. Theo vị này, hiện không chỉ chứng nhận với rau an toàn, rau sạch mà với cả rau đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… cũng đang có dấu hiệu bát nháo! Đó là chứng nhận hàng loạt nhưng không kiểm soát khắt khe về quy trình sản xuất, chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm...

Sớm lập lại quy trình quản lý

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay khái niệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được định nghĩa chưa đúng, gây mất lòng tin của người tiêu dùng. Sản phẩm NNHC là phân khúc đặc thù, rất khó thực hiện. Để khơi thông được thị trường NNHC trong nước đòi hỏi phải có sự minh bạch. Đối chiếu với thực trạng thế giới và trong nước, thị trường NNHC của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để khai thác. Vấn đề mấu chốt là mở rộng kết nối, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường công tác truyền thông để người tiêu dùng hiểu được giá trị của NNHC, không chỉ vì sức khỏe người sử dụng mà còn thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nông nghiệp. Đặc biệt, trước bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao do nhiều nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan còn cho rằng, việc nông dân chủ động chuyển từ nguồn phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn mở ra cả một hướng đi dài.

Trong khi đó, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện nay, một số địa phương đã thành lập được phòng đánh giá (thuộc Chi cục bảo vệ thực vật hoặc Chi cục quản lý chất lượng) để hỗ trợ chứng nhận cho những người làm NNHC với chi phí thấp hoặc có thể không mất phí. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện được việc này. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất NNHC giai đoạn 2020-2030. Đến nay, gần như 63/63 tỉnh, thành đã và đang triển khai đề án này, đã xuất hiện nhiều mô hình NNHC hoạt động hiệu quả. Nhà nước cũng đã có khung pháp lý để quản lý NNHC bằng việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn giám sát. Tuy nhiên, cần có thời gian để các quy định này đi vào cuộc sống.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, dù NNHC đã đạt những kết quả khả quan, nhưng hiện người tiêu dùng chưa tin tưởng tuyệt đối vào các sản phẩm có chứng nhận hữu cơ, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và sản phẩm thông thường khác. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào trong sản xuất còn cao, trong khi năng suất giảm trung bình trên 30% nên nông dân sản xuất hữu cơ chưa có lợi nhuận cao, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian đầu. Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, khó khăn trong sản xuất NNHC trên địa bàn là ngân sách của tỉnh còn hạn chế, chưa bố trí được kinh phí để triển khai. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn gặp khó trong việc đáp ứng các tiêu chí để được công nhận sản phẩm NNHC; diện tích nông nghiệp được chứng nhận NNHC trên địa bàn còn ít; chưa hình thành được mô hình sản xuất mới và xây dựng chuỗi liên kết tương ứng. Còn ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận, ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng và phát triển thị trường, hệ thống phân phối sản phẩm NNHC đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: cà phê, sầu riêng, ca cao, rau, củ... Địa phương kiến nghị Chính phủ có các chương trình, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là về vốn khi triển khai NNHC để tận dụng tốt nhất tiềm năng nông nghiệp của tỉnh.

Ông NGUYỄN VĂN QUÂN, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau:

Để phát triển sản xuất NNHC, Bộ NN-PTNT cần tăng cường khuyến khích, kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất để phát triển nhanh về quy mô, chất lượng sản phẩm. Phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về lợi ích của sản phẩm NNHC. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đẩy mạnh việc tổ chức kết nối các kênh tiêu thụ và quảng bá thông qua các chương trình hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm NNHC trong cả nước. Hàng năm, ưu tiên bố trí kinh phí duy trì, khuyến khích phát triển sản xuất hữu cơ đối với những tỉnh có tiềm năng và thế mạnh, nhất là đối với sản phẩm chủ lực quốc gia.

TS DƯƠNG VĂN CHÍN, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Sản xuất NNHC là một phong trào rộng khắp thế giới, nhiều nước đã ưu tiên phát triển lĩnh vực này. Việt Nam cũng có những thành tựu bước đầu, có những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Diện tích nuôi trồng hữu cơ gia tăng qua từng năm. Nhà nước cũng đã xây dựng các tiêu chuẩn để đạt sản phẩm hữu cơ, nhiều công ty dịch vụ trong nước và quốc tế đang làm dịch vụ chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam. Lĩnh vực NNHC ở Việt Nam rất tiềm năng, nhưng muốn phát triển bền vững phải tính đến yếu tố thị trường. Vấn đề là phải xác định nhu cầu sản phẩm hữu cơ là bao nhiêu (trong nước và quốc tế) để tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng.

TS PHAN VIỆT HÀ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT):

Sản xuất NNHC là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, những cây trồng chủ đạo như cà phê, hồ tiêu cần phát triển theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sạch và an toàn, đồng thời phục hồi môi trường. Do đó, ngành nông nghiệp các tỉnh cần sản xuất theo hướng hữu cơ trước, dần dần cải tạo môi trường, tạo ra môi trường sạch, tiến tới sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chứng chỉ hữu cơ, vừa bán được sản phẩm với giá cao, tăng hiệu quả kinh tế, vừa phục hồi, bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục