Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Hà Nội là một trong 3 địa phương trên cả nước có số xã xây dựng NTM lớn nhất, trong khi tính chất, yêu cầu về xây dựng NTM của Hà Nội rất cao. Trong quá trình thực hiện, đây là chương trình trọng tâm, xuyên suốt để thống nhất chỉ đạo trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội (2010-2015 và 2015-2020).
Thủ tướng ghi nhận, sau 10 năm thực hiện, nhận thức về NTM của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân được nâng lên. Hà Nội đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Cùng với đó, Hà Nội đã huy động được nguồn lực lớn cho công tác này, đầu tư xây dựng các thiết chế hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, gắn với lộ trình đô thị hóa... Đặc biệt, Hà Nội đã tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. “Nông thôn Hà Nội trước đây còn nghèo, nay nhà lầu, xe hơi rất nhiều ở ven đô. Chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị - PV) không chỉ có ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm mà còn có ở nhiều làng quê... Hà Nội cũng có số xã đạt chuẩn NTM lớn, vượt xa các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng”, Thủ tướng chỉ rõ. Đồng thời nhấn mạnh tới các nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó Hà Nội cần xác định mục tiêu không chỉ là trung tâm, đầu tàu về chức năng đô thị, mà khu vực nông thôn, ngoại ô cũng phải đi trước, đi đầu cả nước. Tiềm năng của vùng nông thôn Hà Nội còn rất lớn nên cần tập trung khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế đó. Cần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp, đáng sống, cùng với sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ để tạo thành các vùng du lịch sinh thái hấp dẫn. Hà Nội cũng cần xác lập vai trò của người nông dân - chủ thể nông thôn có kiến thức, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Thủ tướng cũng lưu ý, đối với khu vực nông thôn, Hà Nội phải gìn giữ được nét văn hóa, văn hiến của thủ đô ngàn năm, giàu bản sắc văn hóa, cần đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng NTM. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đóng góp nhiều cho việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội, đặc biệt trong đó có các chỉ tiêu đã về đích trước 2 năm (tính đến hết năm 2018). Đó là có 352 xã đạt chuẩn NTM, bằng 84,2% (kế hoạch nhiệm kỳ là 80%); tỷ lệ trường công lập 4 cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt 66,2% (kế hoạch là 65%-70%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới còn 1,16% (kế hoạch là dưới 1,2%).
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong 10 năm qua, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đạt trên 76.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách trong giai đoạn này đạt trên 14.700 tỷ đồng. Từ nguồn lực trên, Hà Nội đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong 10 năm qua, Hà Nội đã làm mới 368km, nâng cấp cải tạo trên 5.500 km đường giao thông nông thôn; xây mới trên 1.800 km kênh mương cấp 3. Hà Nội đã thực hiện dồn điền, đổi thửa hơn 79.454 ha (đạt 104,6%). Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản bình quân 3,34%/năm. Thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với giá trị sản xuất bình quân 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010).