Chiều 12-10, tại trụ sở UBND TPHCM, gần 150 cán bộ, công chức, viên chức trẻ trên địa bàn thành phố đã có buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố trẻ Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Trần Thị Diệu Thúy, Lê Trương Hải Hiếu. Những vấn đề về nguồn nhân lực trẻ, vai trò của cán bộ công chức trẻ trong cải cách hành chính, giải pháp phát triển Kinh tế -Xã hội… đã được các cử tri trẻ đưa ra tại buổi tiếp xúc. Chương trình do Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM tổ chức.
Mối quan tâm của cử tri trẻ
Vấn đề được nhiều cử tri trẻ quan tâm là tiền lương hiện nay chưa đảm bảo mức sống trung bình, chưa thật sự là động lực để cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, thực thi công vụ.
Đại diện Đoàn Văn phòng UBND TPHCM chỉ ra bất cập: “Mức lương của một cán bộ, công chức ở cơ quan nhà nước với mức lương của một lao động tại doanh nghiệp nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn. Muốn giải quyết căn cơ vấn đề thu nhập của công chức, việc nâng lương cơ bản chỉ là một giải pháp tình thế. Quan trọng hơn là phải thay đổi cơ chế trả lương, nâng lương theo hướng người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít chứ không nên cào bằng và chủ yếu dựa theo bằng cấp, thâm niên như hiện nay”.
Chị Huỳnh Thị Kim (Đoàn Viện Nghiên cứu phát triển thành phố) cho biết: “Có một bất cập nữa hiện nay là dựa vào đâu để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, qua bằng cấp hay khả năng giải quyết công việc? Do vậy, cần có những chính sách giữ chân, đãi ngộ xứng đáng người tài. Đất nước ta càng phát triển thì việc tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao cũng nên được chú trọng”.
Công tác cải cách hành chính cũng được nhiều cử tri trẻ quan tâm khi nhận xét, các thủ tục cải cách hành chính hiện nay còn nhiêu khê, gây bức xúc cho người dân. Chị Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Sở Nội vụ) kiến nghị: “Để góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cần tổ chức nhiều lớp tập huấn công tác tiếp dân cho cán bộ công chức, đặc biệt là những cán bộ công chức trẻ. Hướng dẫn cho họ cách tiếp xúc với người dân. Cải cách hành chính là cải cách quy trình, thủ tục cho tinh gọn hơn nhưng chủ yếu là người thực hiện quy trình cần phải cải tiến cách làm việc”.
Cái gì có lợi cho dân thì làm
Tại buổi tiếp xúc, hầu hết cử tri cho rằng, các đại biểu cần thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe bằng nhiều hình thức để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Luật sư Trần Đức Duy (Đoàn Luật sư thành phố) bày tỏ tâm huyết: “Mỗi đại biểu phải thật sự là cầu nối giữa cử tri với chính quyền các cấp, phải dũng cảm lên tiếng phản ánh những bức xúc của người dân. Đại biểu Quốc hội hay HĐND không chỉ là những cơ quan làm công tác văn thư, chuyển đơn thư kiến nghị của người dân đến các cấp thẩm quyền. Được sự tin tưởng, giao phó của người dân, các đại biểu, đặc biệt là những đại biểu trẻ phải mạnh dạn, dám nói dám làm…”.
Tại hội nghị, đại diện Đoàn cơ sở Báo SGGP đề xuất: “Các đại biểu phải đi cơ sở nhiều hơn. Hiện nay hiệu quả của các cuộc tiếp xúc với cử tri tại địa phương chưa cao do xuất hiện tình trạng “cử tri chuyên trách” được cơ cấu từ đủ các thành phần tham gia tiếp xúc nên chưa phản ánh đầy đủ tình hình tại các địa phương, ảnh hưởng đến chất lượng và không khí các buổi tiếp xúc. Với các đại biểu do dân bầu lên, phải hội đủ các yếu tố là gần dân, hiểu dân, trọng dân và giúp ích cho dân. Cái gì có lợi cho dân thì làm”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cử tri trẻ đồng thời nhấn mạnh: “Bản thân những đại biểu cũng là những cán bộ, công chức trẻ nên những vấn đề mà các cử tri đặt ra hôm nay cũng là những băn khoăn, trăn trở hiện nay của chúng tôi. Tuy nhiên, những vấn đề trên không chỉ riêng chúng tôi giải quyết, mà các bạn trẻ cũng phải năng động, xem đó là trách nhiệm của mình bên cạnh công việc tại đơn vị. Phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đoàn viên, thanh niên, công dân của thành phố trước những vấn đề quan trọng của thành phố và cả nước”. |
Thanh An