Nóng với xử phạt thể thao, quản lý thi người đẹp

Ngày 1-8, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức họp báo thường kỳ với nhiều vấn đề nóng trong quản lý đã được đưa ra như việc giám sát và “tuýt còi” các chương trình thi sắc đẹp “chui”, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao đối với những hành vi tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục...

Không dễ phạt

Liên quan tới Nghị định 46/2019 NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực với nhiều mức phạt dành cho hành vi trái đạo đức và văn hóa trong luyện tập, thi đấu thể thao của các vận động viên có hiệu lực từ ngày 1-8. Nhiều ý kiến băn khoăn là việc làm sao xác định được như thế nào là hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy.

Cụ thể tại điều 7 của nghị định đưa ra mức phạt tiền 5 - 10 triệu đồng khi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam. Mức phạt không nhỏ, nhưng nhiều người trong ngành cho rằng tính khả thi lại không cao bởi để xác định được việc vi phạm là khá khó khăn và mang nặng cảm tính.

Ví dụ như với môn khiêu vũ thể thao các bài biểu diễn của môn này thường mang tính chất phô diễn vẻ đẹp hình thể, nhiều động tác gợi cảm, khỏe khoắn và cả tình tứ, lãng mạn giữa nam và nữ theo chủ đề bài biểu diễn... Trang phục trong thi đấu cũng hướng tới “khoe” vẻ đẹp hình thể… nhưng với một số người thì đó lại là hở hang… Vậy mặc ngắn đến đâu hay hở như thế nào, lộ bao nhiêu phần trăm cơ thể là “khiêu dâm”? 

Trả lời câu hỏi này, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc cho biết qua thực tế kiểm tra, một số môn thể thao hiện nay như Yoga đã xuất hiện Yoga khỏa thân. Hoặc thậm chí thể dục dưỡng sinh cũng có những hình thức như “suối nguồn tươi trẻ”. Những hoạt động như thế này không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. 

Dẫn chứng như vậy, song Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng thừa nhận trong nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có nhiều quy định mang tính răn đe, nhiều cái rất khó quy định chi tiết.

Chưa có danh hiệu đại sứ trọn đời

Liên quan đến Đại sứ Du lịch Lý Xương Căn, có ý kiến cho rằng cần tôn vinh ông là Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc đến trọn đời. Tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin cho biết việc tôn vinh hoặc bổ nhiệm ông Lý Xương Căn là Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc trọn đời thì không thực hiện được vì điều này chưa có trong quy định của Nhà nước. 

Trả lời về các cuộc thi sắc đẹp “núp bóng” chương trình nghệ thuật biểu diễn để xin cấp phép, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nêu rõ, cục không cấp phép bất cứ hoạt động nào liên quan đến hai chương trình “lùm xùm” dư luận trong những ngày qua là “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam” và “Gala gặp gỡ hoa hậu và nữ doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc”.

Cục đã giao phòng chức năng phối hợp làm việc, rà soát lại toàn bộ nội dung, quy trình, làm rõ trách nhiệm của Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc trong vụ việc cấp phép và lỗ hổng giám sát ở chương trình “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019”. Hai vụ việc xin cấp phép biểu diễn nghệ thuật nhưng lại đưa vào các nội dung như thi sắc đẹp, tôn vinh người đẹp cho thấy sự cấp thiết cần sớm ban  hành nghị định về quản lý nghệ thuật biểu diễn để lấp “lỗ hổng” này.

Tin cùng chuyên mục